HOT NEWS

Bước đầu dạy con: tips 1-3

Vậy bạn đã xác định sẽ dạy con tiếng Anh để tăng khả năng học ngoại ngữ thành công của bé?

Mình sẽ ghi lại những gì áp dụng hiệu quả với bé Bư và các bạn có thể tham khảo, cũng như cảm thấy sáng tạo thì có thể nghĩ thêm ra những "bài" mới với con. Các tips đưa ra ở đây dành cho các bé chưa chưa nói được từ nào tiếng Việt hoặc vẫn đang trong quá trình bập bẹ. Các cha mẹ có con đã thành thạo TV ở độ tuổi lớn hơn bé Bư nhà mình (hiện được 19 tháng) có thể thử, và mình cũng khuyến khích điều đó, tuy không bảo đảm khả năng thành công cao như các bé bập bẹ. Các bạn có thể áp dụng thử, tuy nhiên chắc cũng sẽ phải có đôi chút điều chỉnh cách thức tiếp cận, hoặc tìm cách khích lệ con, vì ở thời điểm khi đã quen với tiếng Việt, bỗng dưng phải làm quen với ngoại ngữ, có thể bé sẽ lúng túng và băn khoăn.

Điều quan trọng nhất để ghi nhớ: hiện tại, các bé chưa biết nói, nên không có sự khác biệt khi học tiếng Việt hay tiếng Anh.

Hiểu lầm phổ biến:

Một hiểu lầm khá phổ biến là các bậc cha mẹ sợ con mình sẽ không phân biệt được các tiếng khác nhau và bị lẫn lộn. Các nghiên cứu của nước ngoài đã chỉ ra rằng trẻ con rất "tinh" khi học tiếng. Chuyện sử dụng cả hai ngôn ngữ cùng một lúc (thí dụ như cha mẹ hỏi tiếng Việt thì bé đáp lại bằng một từ tiếng Anh hay cả tiếng Việt pha lẫn TA) là rất bình thường, không phải vì bé không phân biệt được, mà vì bé chưa biết đầy đủ hết các từ.

Một ví dụ từ con mình:

Mình có mua cho con một chiếc hộp có các lỗ ở phía trên hình sao, vuông, tam giác,... để cho bé tập phân biệt các hình này bằng cách thả hình vào hộp. Bé hiện chưa nói được hết các từ bằng cả hai tiếng do chưa quen nói 2 âm tiết/ 2 từ liền nhau nhưng nhận ra hết các từ khi nghe. Mỗi khi mình hỏi bằng tiếng Anh "What's this?", bé đều đáp lại bằng tiếng Anh ví dụ như "shar!" (star) . Khi được hỏi tiếng Việt "gì đây con?", bé đáp "shao!" (sao). Nhưng khi mình chỉ vào bức tường và hỏi bé "cái này là cái gì?", bé trả lời "wall", đơn giản vì mẹ chưa dạy từ "tường" trong TV.


Tip #1: Nói chuyện với con hàng ngày là cách hiệu quả nhất để trẻ học tiếng. Hãy bắt đầu bằng cách gọi tên các đồ vật xung quanh.

Gợi ý:  Gọi tên đồ vật:

              What's this?/ What's that?
             (It's a) Book.
              Say "Book"!
              Good!
             Again, repeat after me, book!
             No, no, say book!
             Good job. Excellent.

            Sau khi bé quen với tên đồ vật, hãy hỏi về nơi chốn để tập cho bé nhớ:

             Where's the book?
              (Bé sẽ dùng tay chỉ)
              Nếu bé không chỉ tay được vì không nhớ từ, bạn hãy giúp bé:
              Oh, here it is/ there it is. 
              Book!  
              Can you say "book"? Book!
              
              Nhớ khen bé khi bé nói lại được từ hoặc chỉ tay đúng.
              Bạn có thể sử dụng những câu đơn giản như ở trên hoặc tương tự dể dạy bé rất nhiều từ.


Hoàn toàn tương tự với tiếng mẹ đẻ! Ban đầu bạn hãy chọn các từ đơn giản có một âm tiết. Đôi khi có từ khi được dạy, bé tỏ ra không hề quan tâm, và lại tỏ ra hứng thú với đồ vật nào khác. Hãy tận dụng sự hứng thú của bé, và quay lại dạy những từ khác vào những lúc khác.

Để con làm quen luôn với câu hỏi, bạn có thể chỉ vào một vật, tự hỏi "What's this?" hoặc "What's that?", rồi trả lời "It's a book". Bé sẽ thích thú hơn khi bạn nói giọng "hoạt hình", điều chỉnh cao độ cho giọng bạn cao hơn (hãy nhớ lại các giọng nói trong các phim hoạt hình!) và nói có ngữ điệu. Bước đầu tiên, bạn có thể bỏ phần "It's a".

Chú ý không nên nói quá chậm, mất tự nhiên. Nên nói ở tốc độ bình thường. Chú ý các âm cuối, và phát âm âm "th" cho chính xác, và đừng để mất âm "t" trong "What's". Chú ý nhấn mạnh trọng âm vào các từ quan trọng bằng cách nói từ nhấn cao hơn so với các từ còn lại: It's a book.

Nếu bạn muốn dạy con một vài từ hai âm tiết hoặc nhiều hơn, hãy nói từng âm tiết một cho con bắt chước theo. Nếu trẻ nói không đúng, hãy kiên nhẫn tập một vài lần, và lặp lại vào lúc khác. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự nói mẫu cho trẻ nghe các từ có nhiều âm tiết. Trẻ nghe vài lần sẽ nhớ, nhưng chưa thể nói ngay được vì phải đến gần 2 tuổi mới có thể nói được 2 âm tiết liền nhau.

Điều quan trọng là phải có sự luyện tập đều đặn hàng ngày. Đây cũng là lúc để bạn luyện tập tiếng Anh cho chính mình. Nếu bạn thấy không tự tin về phát âm của mình, hãy tập trung vào ngữ điệu của tiếng Anh hơn là từng âm riêng biệt. Nhấn trọng âm vào các từ khóa rất quan trọng. Nếu bạn nhấn đúng, bé sẽ hiểu nội dung bạn nói nhanh hơn (ví dụ: It's a cat, bạn nhấn đúng vào "Cat" thì từ "cat" sẽ nghe to hơn, cao hơn, và kéo dài hơn. Bé sẽ hiểu nhanh hơn rằng những từ còn lại là những từ phụ).

Bạn cũng có thể tự google thêm những từ cho các đồ dùng trong nhà nếu có đồ vật bạn không biết. Việc luyện tập này có ích cho cả bạn và con bạn!


Tip #2: Cố gắng dành ra ít nhất 3 tiếng mỗi ngày (tương đương khoảng 1/3 thời gian bé thức) để nói chuyện với bé bằng tiếng Anh.
 
Nếu bạn đan xen hai ngôn ngữ vào nhau, một câu có cả 2 tiếng, hoặc một câu bằng tiếng Anh, một câu bằng tiếng Việt, việc tập luyện sẽ khó có kết quả mặc dù bé có thể học được một vài từ. Theo cách đó, bé không thể có cái nhìn/cảm nhận tổng quát về ngôn ngữ thứ 2 xem giai điệu ngôn ngữ đó ra sao. Lúc đầu chưa quen, rất dễ để các cha mẹ chuyển sang TV một cách không có kiểm soát. Hãy quay lại tiếng Anh và tập dần! Bạn sẽ làm được.

(Có nguồn cho rằng bạn cứ dùng 2 ngôn ngữ ra sao cho tự nhiên là được, thay đổi liên tục giữa 2 tiếng cũng được. Có thể như vậy không sao trong trường hợp trẻ còn có nhiều nguồn khác như bạn bè, môi trường, để tương tác bằng tiếng Anh. Nhưng mình không nghĩ là trong trường hợp các bé ở VN thì cách này sẽ được khuyến khích).

Nói chuyện với con quá ít cũng sẽ không đủ để bé nói được tiếng Anh. Lượng input luôn phải nhiều thì mới có thể có output tốt. Việc dạy tiếng cho con chỉ có thể thành công khi bạn có đủ thời gian dành cho con. Nếu bạn đi làm ban ngày, hãy cố gắng thu xếp thời gian buổi tối cho đủ 2-3 tiếng.

Bản thân mình bỏ ra khoảng 3 tiếng mỗi ngày để nói chuyện với con bằng tiếng Anh. Hiện giờ, lượng từ vựng của bé Bư được khoảng 100 từ trong mỗithứ tiếng.

Tip #3: Giữ thời lượng cho đủ, và cả chất lượng nữa.

Một số nguồn khuyên cách hiệu quả là mỗi bố mẹ một ngôn ngữ. Nhưng ở Việt Nam ta thì có lẽ các ông bố dành thời gian cho con thường ít hơn rất nhiều, nên ta tạm chuyển lời khuyên trên thành: ai nói tiếng Anh thì nói, mà ai nói TV thì nói, đừng lẫn lộn lung tung. Tuy nhiên, làm như vậy cũng khá khó và cứng nhắc, nên mình nghĩ quan trọng là gia đình bạn giữ được đủ lượng thời gian giao tiếp bằng tiếng Anh. Mình nói tiếng Anh với bé, nhưng cũng có những lúc khác nói tiếng Việt với bé khi đã "hết giờ" tiếng Anh. Nhiều nguồn nói làm như vậy không sao cả! Quan trọng là bạn cho bé thấy ngôn ngữ được sử dụng trong hoàn cảnh ra sao, có liên quan đến cuộc sống như thế nào.

Nói chuyện với bé 3 tiếng bằng tiếng Anh không có nghĩa là nói liên tục, không ngưng nghỉ. Cả bạn và bé đều cần có thời gian "trống"để bé "tiêu hóa" được những từ đang học, và bạn nghĩ xem những gì mình đang làm có hiệu quả không. Hãy nói chuyện làm sao cho cả bạn và bé thấy thoải mái, không căng thẳng, cố gắng tập trung vào giây phút hiện tại khi 2 mẹ con/ 2 bố con có thời gian bên nhau, thay vì mong muốn con mình nói tiếng Anh cho nhanh. Hãy vui đùa và chơi các trò có vẻ trẻ con, ngớ ngẩn, và phát huy hết sự hài hước của mình. Trẻ sẽ học nhanh hơn!

Hãy tranh thủ dạy trẻ bây giờ khi trẻ chưa phải đến trường cả ngày, vì một khi trẻ ra ngoài xã hội nhiều hơn, tiếng Việt có khả năng sẽ lấn át tiếng Anh, gây khó khăn cho việc học ngoại ngữ.


Chúng ta sẽ có thêm các gợi ý khác và nhiều hiểu lầm khác cũng sẽ được đề cập đến trong các post tiếp theo! Chúc các ông bố bà mẹ vui vẻ bên cạnh con!

Bài đăng phổ biến