HOT NEWS

Học tiếng mẹ đẻ và các mốc thời gian quan trọng

Ở post trước, chúng ta có đề cập đến lợi ích của việc học một ngôn ngữ thứ hai. Tuy nhiên, hãy ghi nhớ: một ngôn ngữ thứ hai chỉ có thể đem lại những lợi thế như vậy khi một cá nhân thực sự thành thạo nó - với sự thành thạo tạm được định nghĩa là khả năng nói trôi chảy, diễn đạt những gì mình muốn nói với độ chính xác cao, kèm theo kĩ năng đọc/viết/nghe tốt, tuy không nhất thiết phải ở trình độ am hiểu văn học. Việc biết đếm từ 1 đến 10 và biết gọi tên các con vật không đủ để não bộ bạn có đủ lượng kiến thức để đem lại ảnh hưởng lớn.

Trước khi tìm hiểu về việc học ngôn ngữ thứ hai, chúng ta nên tìm hiểu một chút xem ngôn ngữ thứ nhất được học như thế nào, cũng như các mốc thời gian quan trọng và khả năng của trẻ theo từng giai đoạn.

Các mốc này quan trọng vì nếu bạn dạy tiếng Anh lẫn tiếng Việt (với điều kiện tiếng Anh của bạn đủ và tốt) cho trẻ song song từ khi trẻ học nói, các mốc phát triển ngôn ngữ từ sau 6 tháng đối với 2 ngôn ngữ là như nhau. Bạn có thể tham khảo các mốc này để so sánh xem con mình đã nói tiếng Anh được đến đâu so với trẻ bản ngữ. 

Các bậc cha mẹ chắc chắn không bao giờ thắc mắc: "Làm sao để con tôi nói được tiếng mẹ đẻ mà những người xung quanh đều nói?". Hầu hết các trẻ có thể nói thành thạo tiếng mẹ đẻ khi lên 5 tuổi. Trẻ bắt đầu học ngôn ngữ từ khi mới sinh. Hàng ngày, trẻ đều được làm quen với tiếng mẹ đẻ qua các cuộc nói chuyện (dĩ nhiên chủ yếu là một chiều) từ cha mẹ và những người xung quanh, và được nghe cả những cuộc đối thoại diễn ra giữa các thành viên trong gia đình.  Các bậc cha mẹ theo bản năng thường dùng những câu/từ ngắn gọn, dễ hiểu được nói với độ cao cao hơn bình thường, và tốc độ nói cũng chậm hơn. Tuy trẻ luôn luôn lắng nghe và cố gắng đoán ra ý nghĩa của những từ đang được dùng, trong những tháng đầu đời khả năng phát âm, tập trung và trí nhớ chưa đủ để trẻ có thể giao tiếp bằng lời. Trẻ sẽ học tiếng nhanh hơn khi các khả năng này dần phát triển và hoàn thiện hơn theo thời gian. Mốc thời gian cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ như sau:

tháng 6: quay đầu về phía có tiếng động, nhận biết được tên mình, biết khi nào cha mẹ đang nói chuyện với mình, chủ yếu nói các nguyên âm đơn giản như a, o, u. trong giai đoạn này, nếu trẻ có nói âm nào đó giống với một từ thì thường do ngẫu nhiên, không có ý thức.

tháng 9: có thể hiểu khi cha mẹ nói "không", và bắt đầu hiểu mối liên hệ giữa các cử chỉ và từ ngữ, nói các âm như bababa, mama, biết chơi ú òa.

tháng 12: bắt đầu hiểu và sử dụng một số từ, làm theo các mệnh lệnh đơn giản, dùng cử chỉ để giao tiếp, bắt đầu quan tâm đến truyện tranh đơn giản, tạo ra các âm kết hợp cả phụ âm lẫn nguyên âm.

tháng 18: hiểu các câu hỏi đơn giản như "gấu ở đâu?", "cái gì đây?" và trả lời bằng các từ đơn giản hoặc cử chỉ, bắt đầu chơi đồ hàng ví dụ như cho gấu uống nước,  dùng ngón tay chỉ vào tranh ảnh, hứng thú hơn với sách truyện cho trẻ em.

tháng 24: làm theo được 2 mệnh lệnh nói ra cùng lúc (ví dụ: nhặt cốc lên và đặt lên bàn), có vốn từ khoảng 100 từ,  người lớn có thể hiểu được 50% những gì trẻ nói, biết cầm bút vẽ nguệch ngoạc.

tháng 30: bắt đầu có khái niệm to/nhỏ và về số lượng, sử dụng được khoảng 200-300 từ, nói được các câu 2-3 từ và bắt đầu dùng ngữ pháp đúng.

(nguồn: babycenter.com và children.gov.on.ca)

Các cha mẹ nên hiểu đây là những mốc trung bình, có nghĩa rằng sẽ có trẻ vượt qua mốc thời gian trung bình nhanh hơn, và một số trẻ chậm hơn một chút. Không nên lo lắng vì mỗi trẻ một khác. Chỉ nên lo lắng khi trẻ phát triển ngôn ngữ quá chậm, và có những dấu hiệu không ổn như không phản ứng lại khi người lớn nói chuyện, hay ánh mắt lơ đễnh, không nhìn vào người đang hỏi chuyện mình.

Mình có tham khảo các nguồn khác nhau. Thực sự là mỗi một nguồn sẽ có một số chi tiết nhỏ khác biệt (ví dụ: babycenter cho rằng trẻ làm được theo 2 mệnh lệnh đưa liền nhau tầm 12-18 tháng, trong theo children.gov.ca, trẻ thường phải đến 24 tháng mới làm được vậy) nhưng nhìn chung không quá khác.

Các trẻ được bố mẹ hoặc người nhà nói chuyện với nhiều và hay đọc sách cho thường biết nói sớm hơn và có vốn từ phong phú hơn. Tuy nhiên, ngòai yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, còn có những yếu tố bên trong như tính cách trẻ và DNA. Khó có thể nói được yếu tố nào ảnh hưởng bao nhiêu % và các nhà khoa học cũng đã bàn cãi cũng như thực hiện rất nhiều nghiên cứu liên quan đến đề tài này.

Nhưng tóm lại, dù sao vẫn có lợi cho trẻ nhất khi cha mẹ dành thời gian nói chuyện với trẻ nhiều và đọc sách cho trẻ. Vậy bạn sẽ hỏi, còn các sản phẩm được quảng cáo là mang tính giáo dục thì sao? TV thì sao? Các phần mềm thiết kế phục vụ cho mục đích học tiếng của trẻ trên Ipad?

Ở các post sau chúng ta sẽ trả lời câu hỏi này, bàn tiếp đến thời kì học tiếng thích hợp cho ngôn ngữ thứ hai, và cả quá trình học tiếng của bạn Ma Bư, con mình, sẽ được update!

Bài đăng phổ biến