HOT NEWS

Lợi ích của việc học ngôn ngữ thứ hai?

Rất nhiều bậc phụ huynh đầu tư cho con mình học tiếng Anh ở các độ tuổi khác nhau vì họ ý thức được lợi ích chính: cơ hội việc làm luôn nhiều hơn cho một người biết hai ngôn ngữ, đặc biệt khi ngôn ngữ thứ hai là ngôn ngữ đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

Một số cha mẹ đầu tư cho con đi học sớm từ độ tuổi mẫu giáo, tiểu học bằng cách đăng kí cho con tham gia các khóa tiếng Anh do giáo viên bản ngữ đứng lớp ở các trung tâm có tiếng như Language Link hoặc Hội Đồng Anh. Một số khác cho rằng đầu tư nhiều vào những năm trung học sẽ hiệu quả hơn. Số khác, do không có khả năng tài chính, bỏ tiền thuê gia sư Việt Nam. Các bậc phụ huynh ít hay nhiều cũng ý thức được chất lượng giảng dạy tiếng Anh ở trường nơi trẻ đang theo học chính quy, nơi mà việc giảng dạy tập trung vào các bài tập ngữ pháp và trẻ không có cơ hội để sử dụng tiếng Anh với mục đích giao tiếp.

Phần đông các bậc cha mẹ nhìn thấy lợi ích của tiếng Anh như đã nói ở trên. Tuy nhiên, lợi ích của việc học một ngôn ngữ thứ hai còn lớn hơn rất nhiều (không riêng tiếng Anh, mà có thể là bất kì ngôn ngữ nào). Chúng ta hãy cùng tìm hiểu:

1.  Các trẻ thành thạo 2 ngôn ngữ dĩ nhiên có thế mạnh về ngôn ngữ hơn các trẻ chỉ biết một ngôn ngữ.  Càng biết nhiều ngôn ngữ hơn, trẻ càng hiểu hơn về các ngôn ngữ khác nhau và hệ thống của từng ngôn ngữ cũng như có kĩ năng đọc, viết tốt hơn. Khả năng sử dụng thành thạo, hiểu biết ngôn ngữ liên quan trực tiếp đến kết quả học tập ở trường, vì ở trường học trí thông minh ngôn ngữ và logic thường được đặt lên hàng đầu (dù muốn hay không thì môn học nào cũng đòi hỏi ngôn ngữ :) )

2. Các nghiên cứu cho thấy trẻ thành thạo 2 ngôn ngữ thường sáng tạo hơn. Cho mỗi một đồ vật, trẻ biết được 2 tên gọi khác nhau và tương tự như vậy, trẻ có nhiều cách khác nhau để miêu tả các sự vật, sự việc. Ngôn ngữ có ảnh hưởng lớn đến cách chúng ta suy nghĩ và nhìn nhận thế giới.

3. Học một ngôn ngữ không chỉ đơn thuần là làm quen với các từ ngữ và cấu trúc ngữ pháp được sử dụng trong ngôn ngữ đó, mà còn là làm quen với một nền văn hóa khác biệt. Ví dụ như, người Việt khi xưng hô hay phải gọi kèm các từ "cô", "chú", "bác", v.v. đối với những người lớn tuổi. Việc gọi tên không chỉ có thể dùng cho người nhỏ tuổi hơn, nếu không sẽ bị coi là hỗn. Đây là lý do không ít người Việt thường thêm chữ "Ms." hay "Mr." trong khi xưng hô, nhưng cách dùng này lại vô cùng không tự nhiên vì người bản ngữ trong cuộc sống hàng ngày hoàn toàn có thể gọi tên nhau một cách bình đẳng. Đây cũng là lý do trong tiếng Anh không có từ tương đương với "hỗn", "láo", mà chỉ có từ chỉ sự thiếu tôn trọng.

4. Do vậy, thành thạo hai ngôn ngữ có nghĩa là người sử dụng hiểu 2 nền văn hóa khác nhau, cho dù họ ý thức được điều đó hay không. Trong thời buổi toàn cầu hóa như hiện nay, sự quen thuộc với nhiều nền văn hóa giúp chúng ta hiểu tập quán, thói quen của các vùng khác nhau, trân trọng sự đa dạng văn hóa cũng như tránh kì thị, phân biệt đối xử hay các hiểu nhầm không đáng có đối với người các vùng hoặc nước khác.

Ở các post sau, chúng ta sẽ bàn tiếp về thời điểm và phương pháp tốt nhất cho trẻ để học tiếng cũng như một số hiểu lầm phổ biến liên quan đến việc học tiếng.

Nếu bạn là một người cha hoặc mẹ có con còn trong độ tuổi từ mới sinh đến tiểu học, blog này có thế giúp ích được cho bạn.

Cảm ơn các bạn đã theo dõi!


p.s. Mình không phải là một nhà ngôn ngữ học hay đã theo học ngành gì liên quan đến ngôn ngữ. Tất cả thông tin trong bài viết này và những bài tiếp theo là tập hợp những gì mình đã tìm hiểu qua các trang mạng, sách vở của nước ngoài và kinh nghiệm cá nhân trong việc học tiếng, dạy tiếng, và trong cả quá trình dạy tiếng  Anh cho con mình hiện đang gần 2 tuổi.

Bài đăng phổ biến