HOT NEWS

Nếu tiếng Anh của tôi không đủ để dạy con?

Vậy các bạn đã tham khảo được một ít thông tin về việc dạy ngoại ngữ cho trẻ. Mình có tham khảo thêm một số nguồn thì họ nói rằng cách dạy tiếng cho con bằng cách nói chuyện qua ngôn ngữ thứ hai hoàn toàn có thể áp dụng với trẻ ở độ tuổi lớn hơn. Tuy nhiên, mình xin nhấn mạnh lại rằng những quan điểm mình đưa ra đều dựa trên các nguồn đã đọc, cộng với kinh nghiệm dạy tiếng nói chung và với con mình nói riêng. Có những điểm sẽ đúng hay thích hợp với con bạn, và có những điểm khác không phù hợp.

Giờ chúng ta sẽ tìm cách trả lời một câu khác không kém phần quan trọng trong trường hợp bạn muốn dạy con tiếng Anh nhưng sợ mình phát âm không chuẩn, hay không đủ vốn tiếng để dạy bé: Bạn có nên dạy trẻ tiếng Anh không, hay nên để các giáo viên ở trường dạy?

Một con số các ông bố bà mẹ may mắn được đi học nước ngoài và trải nghiệm môi trường tiếng Anh. Đối với các bạn này, hoàn toàn không có lý do gì để không dạy con tiếng Anh được, nên thật sự nên tận dụng hiểu biết của mình nếu bạn muốn con mình sử dụng được tiếng Anh trong tương lai. Bên cạnh đó cũng có không ít các bạn đi học ở trong nước, nhưng khả năng ngoại ngữ không kém gì các bạn đã được du học (thậm chí còn hơn - mình có bằng chứng sống ;) ). Post này dành cho những bạn cảm thấy không tự tin về tiếng Anh của mình, tự ý thức được các khiếm khuyết liên quan đến phát âm, ngữ pháp hay bất kì kĩ năng/ khía cạnh nào.

Câu trả lời dễ được đưa ra nhất (và xem chừng có vẻ thiếu suy xét, thiếu tìm hiểu nhất) đó là: Không, bạn không nên dạy tiếng cho con bạn, vì làm sao bạn có thể dạy khi mà bản thân bạn còn sử dụng không đến nơi đến chốn? Vậy thì con bạn sẽ nói y hệt bạn. Đừng dạy là tốt nhất. Hãy để cho các giáo viên bản ngữ dạy, những người biết họ đang nói gì.

Nghe thì có vẻ rất hợp lý. Và thực ra chính mình cũng đã băn khoăn về vấn đề trên, và ban đầu có xu hướng đồng ý với lập luận được đưa ra ở trên. Và đây cũng chính là một trong những hiểu nhầm phổ biến nhất liên quan đến việc học ngoại ngữ.

Xin phép được tóm lược một đoạn trong quyển sách mang tên "The Bilingual Edge: Why, when, and how to teach your child a second language" viết bởi 2 tác giả Kendall King, Ph.D. và Alison Mackey, Ph.D. Các bạn nào có thể đọc sách bằng tiếng Anh nên tìm mua (hoặc gửi email liên hệ mình gildin6@yahoo.com, mình sẵn lòng đưa các bạn mượn photo sách nếu bạn ở Hà Nội). Quyển sách bàn về các vấn đề chính liên quan đến việc dạy trẻ ngôn ngữ thứ hai (thậm chí thứ 3) bằng ngôn ngữ dễ hiểu, không có thuật ngữ phức tạp, đưa ra khá đầy đủ kết quả các nghiên cứu để có thể đưa ra các kết luận.

Hiểu lầm phổ biến: Chỉ có những người bản ngữ mới có thể dạy trẻ ngoại ngữ.

Xét về tiếng mẹ đẻ, người lớn nói ngôn ngữ đã giản lược rất nhiều với trẻ, câu cú cũng không đủ, thậm chí không phải là không có lỗi, và không ai bắt trẻ ngồi một chỗ nghe các giảng giải về ngữ pháp. Nhưng sau một thời gian, trẻ tự hiểu cách sử dụng ngôn ngữ.

Dạy trẻ (hay bất kì ai) một ngôn ngữ thứ hai không đòi hỏi tiếng Anh phức tạp. Điều quan trọng nhất không phải là bạn phát âm chuẩn, biết vô vàn từ vựng, và ngữ pháp rối rắm, mà quan trọng nhất là bạn tạo ra được một môi trường khởi đầu cho trẻ, và cho trẻ thấy ý nghĩa của ngôn ngữ và sự liên quan giữa ngôn ngữ và đời sống hàng ngày. Giá trị quan trọng nhất của ngôn ngữ là tính chất tương tác. Nên ngay cả khi tiếng Anh của bạn khá hạn chế, bạn vẫn có thể tạo ra một nền tảng cho trẻ.


Ý kiến cá nhân:

Vấn đề trên không được nói nhiều lắm trong sách. Mình có tham khảo thêm nhiều nguồn nữa từ cả những cá nhân đã và đang dạy con thành công đến những trang web lập nên bởi các nhà ngôn ngữ học, ý kiến cũng tương tự như trên.

Mình có thêm mấy điểm muốn trình bày:

- Chẳng có cha mẹ nào liều, không biết gì vẫn cứ nói tiếng Anh liến thoắng với con mà không lo nghĩ đến hậu quả, mặc dù có ông thạc sĩ này kia nói "bạn cứ nói đi, không sao đâu". Như chúng ta đều biết thì trẻ con học rất nhanh, và chỉ cần một ngày đi chơi với cô giúp việc ngoại tỉnh thì ban tối về trẻ cũng có thể nói "iem" thay vì "em". Nhưng mình tin là ông bố bà mẹ nào trước khi dạy con cũng sẽ tìm hiểu lại những gì mình đã học (trong trường hợp không chắc chắn). Suy cho cùng, không ai là một cái wikipedia, và bạn luôn có thể google và dùng từ điển khi bạn muốn.

- Bạn hãy tự hỏi: có thật là có một thứ gọi là phát âm chuẩn hay không? Hay đơn giản chỉ là có những giọng một số vùng miền được ưa chuộng hơn giọng những nơi khác? Người ở đâu cũng thấy vùng họ nói chuẩn, và cùng là một thứ tiếng, khi được sử dụng ở các vùng khác nhau sẽ dẫn đến những cách dùng rất khác nhau (bao gồm cả phát âm lẫn từ vựng). Cho nên việc mong đợi tiếng Anh của người Việt (cứ cho rằng một ngày kia tiếng Anh ở nước ta sẽ phổ biến đến độ hầu như ai cũng nói được) sẽ giống như tiếng Anh chuẩn trên TV của người Mỹ hay Anh là một mong đợi ngây ngô. Không phải tự dưng mà tiếng Anh Ấn Độ có kiểu riêng, và có tiếng Singlish của Singapore. Và cho rằng người Việt cũng phải nói tiếng Anh hệt như người Mỹ nói là một điều không tưởng.

- Một người có phát âm chuẩn hay gần chuẩn không chứng tỏ tiếng Anh của họ chuẩn hơn những người có phát âm kém chính xác hơn. Một thứ tiếng còn bao gồm các kĩ năng khác, và phát âm chỉ là bề nổi. Nếu các bạn để ý, thực ra không thiếu người đi nước ngoài về phát âm nghe chừng có vẻ hay, có vẻ linh hoạt trong tiếng Anh mà thực chất khả năng sử dụng không hoàn hảo như ở mức được nhìn nhận. Và thực ra, không cần hoàn hảo, vì thực ra có thể không cần thiết phải hoàn hảo. Dù sao chúng ta cũng chỉ cần vốn tiếng ở mức đủ dùng tùy vào nhu cầu của mỗi cá nhân. Nếu bạn cố gắng học nhiều hơn mức đủ dùng mà lại không sử dụng hết được, "thừa" dễ thành "thừa thãi" và rồi cũng bị lãng quên.

- Khi bạn dạy tiếng Anh cho con, dù sao bạn vẫn luôn bắt đầu từ những từ, câu rất đơn giản. Đừng lo lắng! Hãy chú ý đến mục đích sử dụng của ngôn ngữ và tương tác với con thay vì để cho sự tự ti lấn át (và bạn cũng sẽ bắt đầu nói chuyện với con khi chỉ có bạn và con - nên không có áp lực gì đâu) và quá lo lắng đến tính chính xác. Tập nhiều rồi bạn sẽ quen hơn. Hãy bắt đầu bằng nửa tiếng nói chuyện với con dùng tiếng Anh rồi tăng dần lên 1 tiếng, 2 tiếng rồi lên 3 tiếng. Không có ai đi chạy lại có thể chạy liền một lúc ngay 10 cây số mà không bỏ công tập luyện trước đó.

- Nếu tiếng Anh của bạn hạn chế, bạn hãy đảm bảo rằng bạn không phải là nguồn duy nhất cho trẻ được nghe tiếng Anh. Nếu hiện tại không có ai khác, bạn luôn có thể cho bé nghe nhạc và khi bé lớn hơn một chút, bạn có thể cho bé xem hoạt hình. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về cách tận dụng các nguồn này và các nguồn khác nữa ở các post sau.

- Thay vì đầu tư thật nhiều tiền vào cho con học tiếng Anh về sau, bạn có thể tìm người trông trẻ biết nói tiếng Anh? Thuê các bạn Tây là điều không thể, vì cũng từng ấy việc, các bạn Tây luôn được trả cao gấp mấy lần (lương dạy tiếng theo giờ của các bạn này là tầm $20-30 - chà, chúng ta sẽ không bàn đến khái niệm "công bằng" ở đây. Và thậm chí màu da còn được nhìn nhận là tỉ lệ thuận với khả năng dùng tiếng Anh và khả năng làm việc cơ mà - vậy chắc mình phải đi tắm trắng). Bạn có quen ai nói tiếng Anh tốt? Có thể thuê họ trông trẻ để nói chuyện với trẻ là chính 2 buổi một tuần? Mình mới có ý tưởng đó thôi, nhưng các bạn dạy tiếng mà giỏi mà lại còn giỏi trông trẻ thì chắc cũng không dễ dàng để thuê! Dù sao, đây cũng chỉ là một gợi ý :)

Kết luận:

Bạn đừng quên bạn là người quyết định việc gì phù hợp nhất và tốt nhất cho gia đình bạn. Có thể có những quy tắc chung cho việc học tiếng, và các nghiên cứu có thể chỉ ra điều này điều kia. Nhưng nghiên cứu luôn chỉ có thể tiến gần đến thực tế cuộc sống hơn, chứ không thể nào tóm gọn toàn bộ cuộc sống. Và những qui tắc chung vẫn chỉ là những qui tắc chung - chúng không thể đi quá vào chi tiết, vì những chi tiết luôn dẫn đến ngoại lệ. Chúc bạn thành công!

Bài đăng phổ biến