HOT NEWS

progress của bé Bư ở 20 tháng rưỡi

Như các bạn có thể đã đọc, mình bắt đầu nói chuyện tiếng Anh với con khoảng 3 tiếng mỗi ngày bắt đầu từ khi bé được 14 tháng.

Nản chí ?


Nhiều khi phải nói thật, ai cũng sẽ thấy nản chí nếu chỉ nhìn vào sự khác biệt của hôm nay và ngày hôm qua, đặc biệt là khi mới bắt đầu. Tuy nhiên, nếu nỗ lực đều đặn hàng ngày thì 3 tháng là đủ để nhận thấy một sự khác biệt rõ rệt, và 6 tháng thì còn rõ hơn nữa.

Đôi khi trong quá trình vừa qua, mình cũng không phải là không nản. Vì nói thật, không có quá nhiều thứ để nói chuyện với bé. Hàng ngày các hoạt động của hai mẹ con lặp đi lặp lại, vì vậy những điều mình nói với con mình cũng lặp đi lặp lại (đây là lý do tại sao chúng ta cần tới sách để mở rộng vốn từ và lối diễn đạt).

Tất nhiên, khi dạy tiếng cho con, bạn cũng phải lấy độ tuổi của bé và các khả năng nhận thức, ngôn ngữ nói chung ở mốc trung bình của trẻ cũng như bản thân cá nhân bé để đưa ra những mục tiêu hợp lý, từ đó có thể đánh giá sự tiến bộ của bé dựa trên mốc đó. Nếu chẳng may cha mẹ không quan tâm đến các khả năng của bé mà đã vội đưa ra các mục tiêu khó có thể đạt được, thì sự nản chí, thất vọng là điều đương nhiên. Khi không "thành công", có lẽ nên xem lại phương pháp tiếp cận thay vì vội vàng cho rằng đó là tại bé (quan điểm "không được là tại nó, không phải tại tôi" thì khỏi phải nói, rất phổ biến trong các gia đình Việt Nam).

Khác biệt lớn nhất giữa 20 tháng và 18 tháng ?


Tất nhiên, các cha mẹ nên tham khảo thông tin do các trang chuyên môn tổng hợp lại. Ở cùng độ tuổi, sẽ có một số kĩ năng đa phần các bé đã làm được, một số kĩ năng khác thì chỉ khoảng 50% trẻ làm được, và một số ít còn lại chỉ có rất ít trẻ phát triển sớm hơn nắm được.

 Ngôn ngữ cử chỉ:

Quay lại trường hợp bé Bư, ở độ tuổi 20 tháng rưỡi như hiện tại, điểm khác biệt lớn nhất mà mình nhận thấy so với các tháng trước đó là con mình giờ đã hiểu rất nhanh các ngôn ngữ cử chỉ, do đó có thể nghe lời người lớn và chú ý đến cách người lớn chỉ trỏ mà hiểu ra cha mẹ đang bảo bé làm gì hay không làm gì. Thêm vào đó, có lẽ bé cũng nhạy cảm hơn với các biểu hiện cảm xúc cả trên khuôn mặt lẫn lời nói, nên việc học tiếng cũng nhanh hơn (bước đầu học ngoại ngữ song song với tiếng mẹ đẻ, trẻ đều phải dựa vào các hoàn cảnh và cử chỉ để học, học là sống, là trải nghiệm, chứ không có cách học trừu tượng ngồi một chỗ mà nghe kinh nghiệm của người khác truyền lại mà hiểu). Cộng thêm một số vốn từ Bư đã học được trước đó, hiện nay bé hiểu cha mẹ nói rất nhanh.

ví dụ:

mẹ Bư chỉ vào cái sạc điện thoại đang cắm ở ổ điện chưa rút ra, và bảo:
Can you help mommy unplug the charger?

tất nhiên, bé Bư có thể đã nghe thấy "unplug" hay "charger" một vài lần, nhưng không đáng kể, và mẹ không chủ động dạy cũng như rất ít khi nhắc đến hai từ trên.

vậy nên bé Bư nhìn theo tay mẹ chỉ, và hiểu ra mẹ đang muốn mình làm gì, nên bèn rút cắm sạc.



Liên kết một nhóm các vật với một khái niệm ngôn ngữ: 

Có một điều nữa mình nhận thấy là con mình ở tuổi này đã thể hiện rõ khả năng nhóm các vật tương tự nhau và liên kết các vật này với cùng một khái niệm ngôn ngữ.

Đây là lý do trẻ sẽ mắc lỗi khi sử dụng từ ngữ, nhưng không nên coi đây là một lỗi lầm cần sửa ngay tức thì, mà nên coi đó là một sự tiến bộ đáng kể trong nhận thức của trẻ.

ví dụ:

bạn Bư đã học được từ màn là "net", một hôm bèn chỉ vào cái rèm và nói: Net!
hoặc bé đã biết từ "pants", nên chỉ vào quần đùi và bảo: Pants!
tên này cũng rất thích mèo. Hôm qua hắn lại gần bạn mèo, vuốt vuốt đầu mèo và nói: Tóc. (chà, nếu hắn ta nói "hair" thì đã đúng!)
Khi hắn ta muốn mẹ bật TV,  hắn ta nói... Open! vì chắc nghĩ là TV nói "mở TV, mở tủ, mở hộp", mà tiếng Anh cũng nói được "open the box" nên chắc là ..... "open the TV".
Hắn ta nhìn thấy một cái mặt cười dạ quang để dán lên tường, hắn ta nói Moon! vì có một cái hình dạ quang khác có hình mặt trăng được mẹ dạy là moon.



Sử dụng ngôn ngữ nhiều hơn để đùa hoặc thể hiện các yêu cầu

Tất nhiên trước đây bé Bư cũng có đùa bố mẹ hay người nhà, nhưng sử dụng từ ngữ khi đùa thì ít hơn. Mẹ Bư vẫn hay vỗ mông Bư và nói "bum bum!", nên một hôm hắn ta quyết định vỗ mông .... bà nội và nói: "bum bum!". Bà nội quay ra hỏi: "Nó bảo gì đấy?"

Trước đây, bạn Bư khi không muốn ăn gì người lớn đưa cho thì chỉ lấy tay đẩy ra. Bây giờ, bạn đã biết nói "No!" trong khi còn chưa tự trả lời "Không" trong tiếng Việt.

Bây giờ khi bố đùa, ôm chặt tên Bư mà hắn ta không thích, hắn ta kêu lên: "Stop!" sau một vài lần được mẹ hướng dẫn cách phản đối các trò đùa "thô bạo" của bố.

Khi nào hắn ta muốn mẹ bật nhạc, hắn ta kên lên: Music!





Như vậy, khả năng nghe hiểu trong giai đoạn vừa qua tăng lên đáng kể, cũng như khả năng tự dùng từ ngữ để diễn đạt. Khi nào bạn Bư bước sang giai đoạn mới với các tiến bộ mới, mẹ Bư sẽ update lên đây để chia sẻ với các bố mẹ.

Bài đăng phổ biến