HOT NEWS

tip #8: Lặp lại, lặp lại, và lặp lại như thế nào?


Có lẽ không hề thừa (mặc dù có thể gây khó chịu) khi phải nhắc lại rằng: trẻ học cả tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ cùng lúc qua việc được nghe đi nghe lại các từ, các câu là một điều rất quan trọng. Bạn luôn luôn phải chú ý đến các từ và dạng câu mà bạn dùng. Nhớ dùng các dạng câu và từ quen thuộc, lặp đi lặp lại liên tục, trong đó chỉ cho phép mình tự thêm vào 1, 2 từ hay dạng câu mới khi cảm thấy trẻ đã nắm được nội dung được dạy trước đó, rồi dần dần mở rộng vốn từ, ngữ pháp của trẻ.

Tất nhiên, bạn hỏi mình: sao mà phải cứng nhắc vậy? Nói thì cứ nói thôi. Người ta bảo dạy tiếng mẹ đẻ thì cứ nói chuyện với nó, chứ không hề nhấn mạnh đến chuyện là nói thế nào.

Cũng đúng. Nhưng trẻ ở tuổi này (1 tuổi rưỡi)  có trí nhớ và khả năng tập trung rất nhỏ. Trước khi học được một từ mới để trẻ có thể hiểu rồi tự nói ra rồi ghi nhớ để về sau tự sử dụng, cha mẹ phải nói rất nhiều lần. Nếu trẻ nhỏ hơn, có khi bạn phải lặp lại đến cả tuần (hoặc thậm chí lâu hơn). Trẻ tầm 1 tuổi rưỡi có thể hiểu khá nhanh, nhất là các từ 1 âm tiết, nhưng do mới chỉ bước vào ngưỡng luyện tập nói 2 âm tiết, các từ này phải mất khá nhiều thời gian.

Kinh nghiệm của mình là: nếu bạn tập trung vào một số từ và câu (mặc dù câu thì trẻ chưa nói được, nhưng câu ngắn lặp lại nhiều thì hoàn toàn hiểu - tầm 4-5 âm tiết trở xuống), thì khả năng trẻ thuộc và thành thạo được một số từ nhanh hơn rất nhiều so với khi hàng ngày trẻ được nói chuyện cùng, nhưng mỗi thứ một ít, thay đổi liên tục, người trông trẻ không có chủ đích gì. Dạy trẻ có chủ đích, trẻ sẽ chỉ tập trung riêng một số từ, và khi nói được nhanh hơn thì trẻ cảm thấy thích thú chẳng kém gì cha mẹ. Đó chính là phần thưởng trước mắt khiến cả hai đều tiếp tục học/dạy.

Nếu bạn không tập trung vào câu từ nào cụ thể, về lâu về dài bé cũng sẽ tự hiểu thôi. Nên cách tiếp cận là tùy ở bạn.

Có khi cha mẹ cố gắng nói rất nhiều với con, thấy con có vẻ hiểu nhưng không thấy sử dụng, cũng băn khoăn xem con mình có hiểu thật và có nhớ không. Trẻ rất nhớ. Câu chuyện ví dụ là thế này:

Bạn Bư có một hộp đồ chơi để tập kĩ năng phân biệt các hình. Ngày nào bạn cũng ngồi chơi thả hình qua lỗ tương ứng vào hộp, và mẹ bạn thì luôn nói với bạn đâu là hình gì, dần dần khuyến khích bạn nói theo, và yêu cầu bạn thả đúng hình được yêu cầu. Ví dụ:

- Bư, what's this, Bư?
- (s)quare.
- Good, square (khi trẻ nói chưa đúng, thỉnh thoảng nên nhắc lại để trẻ được nghe lại).
 Now can you put the square in the box?
- (cho hình vào hộp)
- very good, Bư! clap your hands! 
- (vỗ tay).
- Now can you tell me what this is ?

 (Lặp lại quá trình trên.)


Hộp của Bư có các hình: cross, star, square, circle, triangle. Mình hay cho bé xem cả youtube có các bài về các hình, trong đó có thêm hình oval, và trong sách thì có thêm hình heart, và ring. Dạo này Bư không thích xem youtube nữa, và hầu như không xem bài có hình oval. Từ heartring có ở trong một quyển sách 2 mẹ con rất ít khi đọc, và lâu cũng không đụng đến.

Bỗng hôm nay, Bư mở một quyển sách khác có đầy đủ tất cả các hình trên (quyển này cũng hầu như không xem bao giờ) và tự nói: oval. Lần lượt mình chỉ hết các hình, bé đều nói được và phát âm rất đúng, ngoại trừ triangle 3 âm tiết thì nói thành angel. Và từ rectangle thì hơi dài, chưa nhớ, nhầm thành "square", được phát âm đầy đủ cả chữ "s" ở đầu (lúc đầu học, bé chỉ nói được "quare".

Khi quay lại trang có hình oval, đoạn hội thoại của 2 mẹ con như sau:
Bư: oval!!
Mẹ: oval where?
Bư: oval!!!
Mẹ: where is the oval?
Bư: oval đây này! (ghép cả TV và TA - và câu này có 4 âm tiết - khá đặc biệt so với khả năng phát âm của trẻ con độ tuổi này)


Bên cạnh đó, con mình cũng đã tự ngồi chơi các hộp giấy bé bé và đếm one, two, three, four,... cho đến ten. Tương tự như trường hợp oval, bạn Bư đã nghe các bài hát dạy đếm rất nhiều, nhưng không hát theo. Sau một thời gian rất lâu (phải đến vài tháng), Bư mới bắt đầu tự nói. Từ "six" được phát âm đầy đủ với âm "s" ở cuối.

Vậy nên, sự kiên nhẫn của bạn không bao giờ là uống phí! Hãy kiên nhẫn dạy con và rồi một ngày đẹp trời, trẻ sẽ khiến bạn ngạc nhiên khi tự bật ra các từ đã được dạy rất nhiều nhưng chưa bao giờ nói trước đó.

Bạn có thể áp dụng thử cách của mình trong trường hợp thấy bí, nhưng bạn mới là người biết rõ nhất con mình, và luôn có thể điều chỉnh cách thức dạy tiếng cho trẻ khi thấy có điều gì không ổn hoặc không thích hợp! Chúc bạn thành công.

Bài đăng phổ biến