HOT NEWS

quá trình học tiếng của bạn Bư

Trong quá trình mang bầu và thời gian sau khi sinh:
Mình sinh bé vào tháng 9 năm 2012. Trong thời gian mang bầu, mình cũng có chút ít suy nghĩ về việc dạy con học tiếng nhưng không có dự định dạy con từ lúc còn bé xíu. Khi bé Bư được khoảng một vài tháng, mình có đôi lần nói chuyện với bé bằng tiếng Anh và thi thoảng cũng mở một quyển tranh Hello-Kitty may mắn được tặng với đầy đủ các từ tiếng Anh bắt đầu bằng mỗi chữ cái trong bảng chữ cái. Tuy nhiên, mỗi khi dùng tiếng Anh với bé Bư, mình lại cảm thấy ngài ngại, và không được thoải mái cho lắm, mặc dù bản thân cũng có một thời gian ở nước ngoài và đã làm giáo viên tiếng Anh được vài năm và lên lớp thì thường giảng 100% bằng tiếng Anh.

Mình xin mở ngoặc một chút: 
Chúng ta đều biết không phải ai làm giáo viên tiếng Anh cũng giỏi tiếng Anh (hoặc đủ trình độ tiếng Anh để dạy tiếng Anh), hoặc ai đi nước ngoài về tiếng Anh cũng chuẩn. Chẳng có cách nào để đánh giá người khác trong một vài tích tắc khi chỉ nghe ngắn gọn về kinh nghiệm của họ. Mình chỉ nói vậy trong trường hợp các bạn có thắc mắc: Bạn là ai mà cho rằng mình có thể dạy tiếng Anh, và cho rằng mình có thể dạy con mình tiếng Anh? Mình xin thật thà, khiêm tốn chú thích luôn mình chẳng là ai cả, nhưng mình cho rằng chúng ta nên tự chủ động với việc học của con mình (và các việc khác nữa) được bao nhiêu hay bấy nhiêu; nhưng trong việc chủ động này, chúng ta phải tìm hiểu vấn để kĩ càng qua càng nhiều nguồn càng tốt, và quyết định xem cách thức nào là thích hợp nhất cho bạn và con bạn. Đây là một lợi thế nữa khi bạn có tiếng Anh: bạn có thể sử dụng internet và google được rất nhiều thông tin, đọc sách của nước ngoài viết bên cạnh các sách tiếng Việt, vì dù sao sách vở tiếng Việt cũng khá ít ỏi so với lượng kiến thức tiếng Anh, đặc biệt là trong đề tài này.

Vậy nên các bạn cứ tham khảo những gì mình chia sẻ, coi như để biết qua. Còn chỗ nào cần tìm hiểu kĩ càng hơn hoặc có điểm nào nghi ngờ/thắc mắc/không đồng ý, các bạn có thể tự tìm hiểu thêm.

Sách vở và internet
Hiện nay có nhiều diễn đàn tiếng Việt cho các bà mẹ lên trao đổi kinh nghiệm. Theo mình, đó là một điều rất tốt, cho thấy các bạn đang tận dụng Internet. Trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau là một việc mọi người rất nên làm và rất nên được khuyến khích - tuy nhiên, các cá nhân cũng nên hiểu rằng những người trao đổi trên các diễn đàn này là những người mẹ với kinh nghiệm cá nhân, không phải các chuyên gia. Đối với một số việc, các bạn có thể trao đổi với bạn bè, nhưng đối với một số việc khác, kinh nghiệm cá nhân là không đủ để đưa ra những lý thuyết tổng quát. Vì vậy, sách vở và các trang web chuyên môn vẫn có tầm quan trọng rất lớn và nên được tận dụng, nhất là trong thời buổi này chúng ta có thể ngồi một chỗ mà mua sách đến tận nhà hay lướt web mà tìm hiểu được vô vàn vấn đề. Các bài báo cũng có ích - tuy nhiên, các bài viết trên báo thường ngắn gọn, không cho phép đi sâu hơn vào vấn đề đang được bàn đến. 


Bạn Bư học tiếng:
Quay lại câu chuyện bé Bư, mình quyết định dạy tiếng Anh cho bé khi mình vô tình gặp một người bạn khi bé được tầm 14 tháng tuổi (vào thời điểm đó, bé chưa biết tiếng Anh, vì một vài lần nói chuyện hay chỉ trỏ trong sách không giúp ích gì nhiều). Bản thân anh này nói thông thạo 3 ngôn ngữ, và anh có kể có những gia đình anh quen dạy tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ cho con cùng lúc từ nhỏ, và lớn lên, những đứa trẻ này nói tiếng Anh trôi chảy như ngôn ngữ thứ nhất của chúng.

Hôm mình gặp anh bạn kể trên thì bé Ma Bư nhà mình mới được tầm 14 tháng. Sau hôm đó, mình quyết định về nhà và dành ra một khoảng thời gian hàng ngày nói chuyện với con bằng tiếng Anh. Từ đó đến nay được khoảng 5 tháng, vốn từ vựng của bé giờ được như sau:

a: apple
b: beer, bear, bowl, ball, bike, bird, baby, basket, book, box, bum, bath, bubble, bad, bag, bee,
c: chair, cat, circle, cross, cry, cool, clock, comb, close
d: door, dog, daddy, drink
e: egg, eye, ear, elephant, eat
f: frog, find, finger, 
g:  go, grandpa, grandma, giggle, giraffe, glasses, 
h: hi, hello, hand, hot, hat, head, hair, horse, 
i
j: juice, 
k: key, knock
l: light, lamp, lion,
m: minion, monster, mommy, mouth, monkey, milk, 
n: no, net, 
o: open, on, off, 
p: pig, pee, poop, pen, phone, pants, 
q
r: robot, run, 
s: sun, star, square, sock, shoe, shirt, snake, smile, spoon, scared, 
t: tv, toe, triangle, touch, tea, teeth, talk, 
u
v
w: wall, water, wine, 
x
y: yes
z

Bé tự nói ra được khoảng 90% các từ trên, trong đó một số ít (ví dụ như các từ 2 âm tiết) thì bé mới chỉ gần nói được, nhưng cũng tự nói ra. Và một số ít nữa còn lại thì nhắc theo mẹ, và hiểu nghĩa, nhưng chưa tự nói được. Ngoài ra, còn có một lượng từ bé hiểu nhưng chưa nói được. 

Bé hiểu được các câu hỏi/ câu mệnh lệnh đơn giản như: 

What's this/that? Who's this/that?
Give (this) to (Daddy) -  thay thế được tên đồ vật và tên người.
Where's the (bear)?
Touch (your toe). 
Show (the book) to (grandma).
Find (Mommy)
Run. 
Let's go.
Get on (the bed).
Pick up (the bowl).
Put (the bear) on (the bed).

Mình cũng bắt đầu tìm hiểu về việc dạy con 2 ngôn ngữ cùng lúc sau hôm đó, và thực sự cứ làm được đến đâu hay đến đó chứ cũng không đoán trước hay mong đợi con mình sẽ học được bao nhiêu. Như mình đã ghi ra thì hiện nay, lượng từ con mình học và dùng được trong tiếng Anh xấp xỉ con số 100 trong khoảng thời gian là 5 tháng.

Trẻ nhỏ, cũng như người lớn, là những cá nhân rất khác biệt và sẽ có tốc độ học ngôn ngữ khác nhau. Thậm chí sẽ có những giai đoạn trẻ học nhanh, và có những giai đoạn có vẻ như chẳng học được gì cả, cũng giống như sự phát triển về chiều cao và cân nặng. Nhưng có một điều cha mẹ nên lưu ý rằng có thể trẻ chưa tự nói ra được, nhưng đã hiểu và đang "hấp thu" dần dần. Nên những nỗ lực dạy con không bao giờ là uổng phí.

Ở các post sau, mình sẽ kể chi tiết hơn về quá trình mình dạy con, cũng như bàn thêm về sự khác biệt giữa khả năng học tiếng của trẻ em và người lớn. Có đúng là học tiếng từ nhỏ luôn tốt hơn? Trẻ liệu có bị nhầm lẫn giữa hai ngôn ngữ không? Nhỡ cha mẹ trẻ không giỏi tiếng Anh thì sao? Và có lẽ nhiều câu hỏi khác!

Bài đăng phổ biến