HOT NEWS

dạy con học tiếng Anh qua sách

Mình đã từng nhắc đến cách tận dụng sách để học tiếng ở một trong các post trước. Trong post này, mình sẽ nói cụ thể hơn nên tận dụng sách như thế nào và mua sách ở đâu.

Từ khi mải mê mua sách cho con, mình mới để ý đến sự có mặt  của các cuốn sách dành cho trẻ con ở từ độ tuổi mẫu giáo lớn trở xuống được bày bán tại Hà Nội. Mình không phải là người cực kì ham mê đọc sách, nhưng cũng tự coi bản thân là một người thích sách và đọc sách có chọn lọc.

Về thiết kế đồ họa, sách Việt Nam không thể so bì với sách Mỹ và các nước phát triển. Ở Mỹ, tất cả các sản phầm đều được thiết kế với trình độ graphic design cực kì cao, từ phông chữ đến cỡ chữ, từ phối hợp màu sắc cho không những đẹp mắt mà còn phù hợp với đối tượng độc giả và cả ý đồ của tác giả muốn gây ấn tượng cho người mua như thế nào, từ độ to nhỏ của từng trang sách cũng như chất lượng giấy phù hợp cho nội dung cuốn sách, từ khoảng cách giữa các dòng lẫn cách sắp xếp, lựa chọn tranh ảnh. Phải nói không ít các cuốn sách là cả một tác phẩm nghệ thuật (tất nhiên, với điều kiện như đất nước ta, thiết kế đồ họa chỉ là ở bước bắt đầu và còn vô vàn điều phải học hỏi).

Vì vậy, sách trẻ con cũng đã hoàn toàn được nghiên cứu kĩ lưỡng trước khi xuất bản để bảo đảm phù hợp với trẻ em nhất.

Mua kiểu sách gì? Dạy ra sao?

Đa phần các quyển sách trẻ em của Anh, Mỹ được in trên bìa cứng (tất cả các trang), thích hợp với trẻ em bé, vì các bé chưa biết giở sách, giấy mỏng thì rất dễ nhàu nát.  Ngôn ngữ đơn giản. Mỗi trang chỉ in một câu ngắn, font to. Kiểu câu nhìn thấy ở trang đầu tiên có thể lặp lại từ trang nay sang trang khác, chỉ thay đúng một số từ - những từ này là từ mục tiêu cho các bé học. Câu chuyện không có nhiều tình tiết, và không quá dài. Bất kì từ nào quan trọng là từ mục tiêu, tranh vẽ đều phải phần nào thể hiện được.

Nếu bạn chót mua một quyển bé chưa hiểu được vì quá bé, vẫn luôn có thể cất đi chờ bé lớn hơn!


Các bố mẹ nên lưu ý rằng để dạy được con học tiếng Anh bằng sách, phải mua những quyển có câu cú đầy đủ. Những quyển của Việt Nam thiết kế chỉ chuyên dạy từng từ một, trẻ con không thể hình dung được tiếng Anh được nói và sử dụng ra sao. Hơn nữa, có những quyển mỗi trang không chỉ có một hình mà có đến một vài hình những vật khác nhau, trẻ con bé không thể có sức tập trung mà học được. Bạn có thể mua các quyển này nếu bạn có khả năng trò chuyện với bé bằng tiếng Anh, ít nhất là bằng các câu đơn giản. Không nên dạy như sau:

Con nhìn thấy cái này không? Trong tiếng Việt mình gọi là con bò. Con bò trong tiếng Anh là "cow". Con nói "cow" đi.

Các phụ huynh nên dạy con tiếng Anh trực tiếp qua tiếng Anh. Dạy qua tiếng Việt sẽ khuyến khích tạo thói quen tư duy bằng tiếng Việt trước, sau đó dịch qua tiếng Anh, do vậy trẻ sẽ không học được cách tư duy tiếng Anh bằng tiếng Anh, mọi vật mọi việc đều không liên hệ trực tiếp mà phải đi vòng qua tiếng Việt. Đây là thói quen không ít người lớn đã học tiếng Anh lâu năm muốn bỏ mà thấy khó khăn vô cùng.

Tạo thói quen

Con mình bây giờ 25 tháng, rất thích đọc sách, đặc biệt những quyển đã quen và thuộc thì đòi xem đi xem lại. Đây là cách rất tốt để ôn.

Hàng ngày bé cứ thích đọc sách lúc nào thì mẹ con mình đọc lúc đó. Thường để bé quen và thuộc một quyển, có lẽ phải đọc đến vài chục lần. Nên để ý, nếu đang đọc dở mà bé không thích nữa, các bố mẹ nên tạm bỏ sách xuống để lúc khác tiếp tục.

Nhà mình bây giờ cũng có một thói quen trước khi đi ngủ: Mình cho bé chọn khoảng 5-6 quyển, sau đó hai mẹ con trèo lên giường cùng đọc. Đây là lúc mà bé nhà mình tập trung nhất. Đọc xong sách, bé tự bảo mẹ "sleep", rồi trèo lên người mẹ khò khò.

Nhưng con tôi không thích sách...

Đối với những quyển mới mua về, bé nhà mình phải mất một thời gian làm quen (cũng y hệt như với ... người vậy). Sau khi vượt qua giai đoạn đó, sách nào mua về bé cũng thích lắm.

Theo mình, để tạo được niềm yêu thích sách cho bé cũng phải mất một thời gian, tùy bé, nhưng không phải là chuyện khó, vì sách cho trẻ con nhiều tranh vẽ trông rất đáng yêu, bắt mắt.

Điều quan trọng là bố mẹ cũng phải làm mẫu cho trẻ, và cho trẻ thấy giờ đọc sách là giờ vui vẻ với cả mẹ/bố và con.

Mình đọc sách cho con, bên cạnh việc chỉ trỏ, cũng hay giả các loại giọng khác nhau - bé rất thích trí. Cũng giống như bài hát cách các bà các mẹ đã áp dụng rất lâu là hát cả câu rồi chừa lại từ cuối cho bé điền vào, mình cũng áp dụng cách này trong khi đọc truyện cho bé để bé được tham gia vào quá trình đọc.

Đôi khi mình hỏi thêm bé về những nội dung đơn giản mà sách không bàn đến như: Where's the elephant? What color is Henry's shirt? What is he doing? Is this a man? v.v...

Tóm lại, đây là một quá trình phải thử mới biết để tự đúc kết kinh nghiệm. Nhưng nếu bạn biến thời gian đọc sách thành một trong những khoảng thời gian khác trong ngày để hai mẹ con hoặc bố con có thời gian vui vẻ với nhau, mình không thấy có lý do gì bé lại không thích đọc.

Trẻ con rất ham học hỏi! (cho đến lúc đi học...).

Sách đem lại gì mà những cách tiếp cận khác không làm được?

Các tình huống trong đời sống hàng ngày thường lặp đi lặp lại, ngôn ngữ nói cũng đã được lượt bớt nhiều, từ vựng không thể phong phú như sách. Để học sâu hơn về một ngôn ngữ, sách là công cụ vô cùng hữu ích.

Sách thường có những ngôn ngữ mang tính miêu tả rất cao, có câu cú đầy đủ, do đó là một cách tốt để trau dồi từ vựng.

Hơn nữa, đọc sách cho phép người đọc ngừng lại suy ngẫm, đọc nhanh hay chậm tùy ở mỗi người, khác với phim ảnh khi người xem bắt buộc phải tiếp nhận ở mức đã được định sẵn của người làm, do đó thông tin trôi qua nhanh hơn, thời gian suy ngẫm ngắn hơn, não bộ cũng thụ động hơn.

Cách học tiếng, dù cho là ngôn ngữ nào, đều giống nhau: đó là phải có sự tương tác nhiều hết mức có thể giữa người học và một người khác (chứ không phải một cái màn hình, nhưng tất nhiên phải đảm bảo người còn lại có trình độ tiếng cao hơn ở một mức nhất định). Sách hỗ trợ sự tương tác này.

Mua ở đâu?

Mua sách bằng tiếng Anh ở Hà Nội khá khó khăn vì số lượng rất ít, giá rơi vào khoảng 70k - 200k một quyển. Một số nhà sách mình biết có bán bao gồm:

+ Hiệu sách Tràng Tiền, ngay sát Nguyễn Xí, tầng 2 có bán sách ngoại văn cho cả người lớn lẫn trẻ con. Sách trẻ con bằng tiếng Anh không nhiều.
+ Nguyễn Xí - không có sách truyện, mà chỉ có sách của Việt Nam in thành các hình dạy từng từ riêng lẻ.
+ Hiệu sách Fahasa - 338 Xã Đàn.
+ Hiệu sách Thuật - 80B Bà Triệu - sách cho trẻ con cũng có song không nhiều.
+ Hiệu sách Bookworm - 44 Châu Long - chuyên bán sách tiếng Anh (chứ không phải sách học tiếng Anh) hoặc địa chỉ thứ hai ở sau lưng khách sạn Sheraton, phố Từ Hoa ở ven hồ - bạn google sẽ ra địa chỉ cụ thể.
+ Sách và đồ chơi thông minh cho bé - https://www.facebook.com/sachvadochoi?fref=ts - sách được bán tại nhà nên phải liên hệ trước khi qua (địa chỉ ở đường Hoàng Đạo Thúy). Nhà mình hay mua nhất ở đây vì sách mới và rất có chọn lọc và chuyên cho trẻ con độ tuổi bẻ, hơn hẳn các chỗ khác, giá cả phải chăng so với giá gốc. Nên đến xem tận nơi thay vì chỉ xem ảnh rồi order (mặc dù chỗ này có dịch vụ ship đến tận nhà).


Ngoài ra, mình cũng mua sách trên Amazon.com. Rất nhiều quyển mình mua chỉ ở mức giá 1 cent, shipping trong Mỹ là $3.99. Nếu bạn có người nhà cầm về, mua sách second-hand trên Amazon quả thật còn rẻ hơn nhiều sách nhập về VN rất, rất nhiều. Gọi là sách đã qua sử dụng nhưng không thiếu sách mới nguyên, chất lượng hoàn toàn được đảm bảo, và tình trạng sách luôn được miêu tả đầy đủ. Tiện nhất là còn có review của những người đã từng đọc sách.

Mình hay mua những quyển đã được coi là classsic, tức là đã được xuất bản phải đến mấy chục năm trước đây, nhưng vẫn liên tục được tái bản do trẻ em các thế hệ sau này vẫn yêu thích.

Lời kết

Và tóm lại, mình tin sách không chỉ là một công cụ tuyệt vời để học tiếng Anh cũng như tiếng Việt, giúp 2 mẹ con vui vẻ với nhau, mà còn là cách giúp bé phát triển niềm yêu thích với sách để sau này có một sở thích lành mạnh, duy trì được sự ham học hỏi, và tiến tới mục tiêu cho bé có khả năng tự học khi lớn hơn.


Bài đăng phổ biến