HOT NEWS

Trong độ tuổi 0 - 5, làm gì để con thông minh?



Cha mẹ nào cũng mong con cái mình thông minh. Nhưng làm gì để con thông minh thì lại có nhiều quan điểm. Xin trích dẫn thông tin đã được khoa học kiểm chứng về đề tài này.

Thông tin sau được trích từ cuốn sách "Caring for your baby and young child: Birth to age 5" của học viện nhi khoa Hoa Kì (American Academy of Pediatrics):




" Các nghiên cứu cho thấy trong 3 năm đầu đời là giai đoạn quan trọng cho phát triển não cũng như là nền tảng cho cách thức suy nghĩ và phản ứng. (...) Điều này có nghĩa là bạn có cơ hội vô cùng đặc biệt để giúp con bạn phát triển một cách thích hợp để có thể phát triển toàn diện sau này về mặt xã hội, thể chất, và nhận thức trong suốt cuộc đời. Những năm đầu đời để lại ảnh hưởng vĩnh viễn.

Trong rất nhiều năm, chúng ta đã lầm rằng bộ não của trẻ nhỏ là bản sao di truyền giống hệt của cha mẹ. Ví dụ như nếu một người mẹ là một nghệ sĩ thì đứa con cũng có tiềm năng trở thành một nghệ sĩ khi trưởng thành. Mặc dù gene có vai trò quan trọng trong việc quyết định các khả năng và kĩ năng mà con bạn có, các nghiên cứu sau này cho thấy tầm quan trọng không kém của môi trường. Gần đây, các nhà khoa học nhận ra rằng những trải nghiệm trong những ngày, tháng, năm đầu đời có ảnh hưởng to lớn đến phát triển não. (...)

Nghiên cứu cho thấy trẻ con cần những yếu tố sau trong những năm đầu đời để có thể phát triển toàn diện:

- Trẻ cần được yêu thương, trân trọng và khiến cảm thấy mình đặc biệt.
- Trẻ cần cảm thấy an toàn.
- Trẻ cần cảm thấy tự tin trong các mong đợi của nó về môi trường xung quanh.
- Trẻ cần sự dẫn dắt từ người lớn.
- Trẻ cần sự cân bằng giữa tự do và các giới hạn.
- Trẻ cần một môi trường đa dạng về ngôn ngữ, trò chơi, khám phá, âm nhạc, và các đồ chơi thích hợp với độ tuổi.

Những gì đang diễn ra trong não của trẻ nhỏ tưởng như đơn giản với người lớn nhưng thực chất, bộ não của trẻ hoạt động gấp hai lần não người trưởng thành. (...) Trong những năm này (3 năm đầu đời), bộ não con người cho phép khả năng lớn nhất để học (learning - lưu ý: bất kể khi một cá nhân nhận ra được điều gì mới hay học được một kĩ năng mới, trong t/h của trẻ là ví dụ như việc biết đi, biết nói cũng đều được gọi là "learning". "Learn" trong trường hợp này không có nghĩa là đến lớp học). Việc học không những diễn ra vô cùng nhanh chóng, mà thậm chí cách thức trẻ suy nghĩ, phản ứng và giải quyết vấn đề đều được thiết lập. Một ví dụ là cách trẻ học một ngôn ngữ thứ hai rất dễ dàng. Hãy nghĩ xem sẽ khó khăn cho người lớn ra sao?

Điều này có ý nghĩa gì đối với các cha mẹ? Nó có nghĩa rằng bạn và môi trường bạn tạo cho cho con bạn sẽ ảnh hướng đến cách mà con bạn phản ứng lại với các cảm xúc của bản thân, cách thức con bạn tương tác với mọi người, cách con bạn suy nghĩ và cả cách con bạn phát triển về thể chất nữa. Bằng cách tạo ra một môi trường phù hợp với trẻ, bạn đang cho phép sự phát triển não bộ diễn ra một cách bình thường (theo cách nó nên diễn ra). Bạn sẽ băn khoăn xem thế nào là "phù hợp". Đó là một môi trường "bé chỉ huy" và tạo vô số cơ hội cho bé học, một môi trường phù hợp với sự phát triển, sở thích và tính cách của bé. May mắn thay, các yếu tố để tạo nên môi trường này lại bao gồm rất nhiều thứ cơ bản mà nhiều cha mẹ muốn dành cho con: dinh dưỡng tốt; gia đình và những người trông trẻ biết yêu thương, quan tâm đến trẻ; những giờ chơi vui vẻ; sự khen ngợi, động viên thường xuyên; những đoạn hội thoại có sự  tham gia tích cực của cả trẻ lẫn người lớn; sách hay để đọc; âm nhạc để kích thích hoạt động não; và sự tự do để khám phá cũng như học hỏi từ môi trường xung quanh.

(...)

Để tạo ra một môi trường tích cực cho trẻ tại nhà hoặc các nơi sinh hoạt khác, hãy làm theo các gợi ý sau:

- Phụ nữ mang thai cần chăm sóc sức khỏe. Vì não phát triển từ khi trẻ còn ở trong bụng mẹ, việc chăm sóc sức khỏe mẹ sẽ đảm bảo phát triển não của bé. Các bà mẹ cũng nên đi khám thai thường xuyên và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Một chế độ ăn cân bằng, đủ chất và tránh các chất kích thích, cồn, thuốc lá là một vài bước bạn có thể làm để đảm bảo cho sức khỏe của con.

- Cố gắng tạo ra một "cộng đồng" xung quanh bạn. Vì tự nuôi con sẽ rất khó khăn, bạn nên có sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, và những người xung quanh khác.

- Tương tác với trẻ càng nhiều càng tốt. Nói chuyện với con bạn, đọc sách, nghe nhạc, vẽ và chơi cùng nhau. Những hoạt động như vậy giúp bạn có thời gian hiểu những suy nghĩ và sở thích của con bạn. Nhờ đó, con bạn sẽ cảm thấy đặc biệt và quan trọng. (...)

- Thương yêu con bạn và chú ý thật nhiều tới con. Một môi trường yêu thương, ấm áp giúp con bạn cảm thấy an toàn và được quan tâm, cũng như giúp con bạn biết cách quan tâm đến người khác. Sự chú ý như vậy không phải là quá nuông chiều đứa trẻ.

- Đưa ra những nguyên tắc thống nhất. Hãy chắc chắn rằng bạn và những người trông trẻ khác đều có những nguyên tắc giống nhau (khi tương tác với trẻ cũng như những mong đợi đặt ra cho trẻ). (...)".




*những phần (...) là phần đã được bỏ bớt.
** phần chữ in nghiêng là phần giải thích của người dịch.

Bài đăng phổ biến