HOT NEWS

"Học phải vui" và tip 10

Thực ra câu nói trên áp dụng được với tất cả các thể loại học và ở mọi lứa tuổi. Vui với trẻ con là học được chạy nhảy, vui đùa, học mà không có cảm giác học, được tôn trọng ngang hàng với người lớn, người lớn chỉ là người dẫn dắt, phải có chia sẻ giữa hai bên. Vui với người lớn cũng có thể có một ít học kiểu trẻ con, nhưng cũng mang nghĩa bài giảng mang tính tương tác có cao không, liên quan đến cá nhân có nhiều không, có cho cá nhân cơ hội để suy nghĩ, thể hiện ý kiến không, người hướng dẫn có biết cách đem lại hứng thú cho người học không, biết giúp đỡ, khuyến khích người học như thế nào.

Cái nguy hiểm nhất của nền giáo dục Việt Nam là đưa ra khái niệm về giáo dục mang tính nghiêm khắc, kỉ luật, học mà vui không phải là học, học là học, chơi là chơi, học mà thấy chán là chuyện bình thường, giáo viên có quyền quát nạt, bắt ép trẻ em, trẻ em phải tôn trọng giáo viên mà giáo viên không tôn trọng trẻ. Trẻ đi học mà không thấy thích thì giáo viên có quyền bảo trẻ là hư. Trẻ không tập trung thì giáo viên có quyền nói là trẻ lười. Giáo viên có quyền không cho phiếu bé ngoan, hay ghi vào một chiếc sổ gọi là học bạ có thể ảnh hưởng ghê gớm đến tương lai của trẻ. Giáo viên thực ra chả khác gì nhà độc tài (Tất nhiên, không phải tất cả các giáo viên đều thể hiện hình mẫu nhà độc tài, có những giáo viên "hiền hơn", sử dụng các "quyền" giáo viên ít hơn, và có những giáo viên tận dụng quyền lực "thật lực", gây phẫn nộ cho các bậc cha mẹ).

Một con số phụ huynh cũng bị ảnh hưởng, cũng muốn con có nhiều phiếu bé ngoan, cũng muốn con được cô khen, lại thích so sánh con mình với con nhà bên cạnh, và luôn luôn là: "con thấy chưa? bạn thế kia mà con chỉ được thế này à?". Nếu giáo viên có nói với cha mẹ là cháu hư, có lẽ không cần tìm hiểu xem tại sao con "hư", mà cứ thế quát mắng, phê bình. Nếu trẻ có "tâm sự" với cha mẹ là con chán học, có lẽ điều đầu tiên là "trời ơi, con phải học đi, nhớ chưa?", thay vì tìm hiểu xem tại sao con chán.

Cháu tôi năm nay học mẫu giáo bé. Mẹ cháu kể có hôm cháu về nhà, mặc dù không kể là cô nói gì, nhưng lặp lại lời cô giáo nói với thành viên trong gia đình đại loại như: "Không ngoan thì chặt tay cho hết về nhà ôm mẹ." (Thực ra thì từ bé đến lớn tôi vẫn sợ đi học, và kinh sợ các giáo viên - cảm xúc, suy nghĩ mỗi cá nhân ở mức độ khác nhau - nhưng tôi thuộc loại nhạy cảm mức độ cao).

Thử hỏi thế gọi là giáo dục kiểu gì?

Việc học với con trẻ đòi hỏi sự khích lệ, sáng tạo rất nhiều. Trẻ phải được vui chơi, chạy nhảy, nhưng cũng cần được dạy ý thức trách nhiệm, tôn trọng mọi người và ranh giới của những đòi hỏi cá nhân theo những cách gián tiếp. Nhà giáo dục người Ý Maria Montessori (1870-1952) là người tiên phong trong việc đưa ra hình thức giáo dục cho trẻ như trên, và áp dụng lý thuyết đó vào các lớp cho trẻ. Bắt trẻ 4 tuổi ngồi một chỗ im thin thít học về các bộ phận xe đạp, và đe dọa trẻ nếu trẻ có biểu hiện không tập trung, xin thật thà mà nói, là một cách thức vô cùng phản sư phạm vẫn đang được áp dụng ngày này qua ngày khác tại các trường mẫu giáo Việt Nam.

Không phải ai trong các bậc phụ huynh cũng có tiền của để đầu tư cho con vào các trường quốc tế hay trường mẫu giáo cao cấp hơn, nơi cái quan trọng nhất không phải là cơ sở vật chất, mà là sự tôn trọng trẻ nhỏ. Rất tiếc là chất lượng vẫn luôn tỷ lệ thuận với số tiền phải trả (Nhưng nếu lấy lương ít ra làm cái cớ cho sự vô giáo dục, vô cảm, và thiếu nhân cách nghiêm trọng của một bộ phận giáo viên thì xin lỗi, tôi không ngửi được. Thế thôi, đừng đi làm giáo viên làm gì cho nó hỏng trẻ. Không phải là các bác vẫn bắt trẻ suốt ngày hát "em là búp măng non"? Thế mà chưa kịp nở thành cái gì đã bị giẫm đạp không thương tiếc).

Xin lỗi vì đã lan man hơi nhiều về giáo dục!

Xin quay lại đề tài chính: học tiếng Anh cũng như học bất kì môn gì, phải vui và liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của trẻ. Nếu trẻ chưa thấy vui, hãy tìm cách tiếp cận khác. Cùng là một đề tài, các cách thể hiện khác nhau sẽ dẫn đến những phản ứng và kết quả vô cùng khác nhau.

Xin phép ghi thêm một gợi ý nữa cho các ông bố bà mẹ dạy con tiếng Anh:

tip 10: Khuyến khích trẻ giúp bạn bằng cách đặt ra các yêu cầu đơn giản cho trẻ.

Bất kì khi bạn làm gì, hãy cho trẻ làm cùng, và giải thích với trẻ bằng tiếng Anh việc mình đang làm, và yêu cầu trẻ giúp đỡ mình, cho dù chỉ là đóng mở tủ, tắt bật đèn. Trẻ sẽ rất hăng hái tham gia, vừa vì cha mẹ cho làm cùng để trẻ biết cách làm mọi việc trong nhà, vừa vì được cha mẹ coi như những người ngang hàng, chứ không phải những đứa trẻ "không biết gì thì cứ ngồi đó".

Ví dụ:

Bé Bư muốn nghe nhạc, bèn nói: "nhạc!"
Mẹ Bư nói: "Okay, you want to listen to music? Why don't you help Mommy turn on the music player? Good job!"

hoặc:

Mỗi khi đi vào phòng, mẹ bạn Bư hay nói: "Can you help Mommy turn on the light? Here, I'll lift you. No, no, not that switch, it's the other one! Thank you!"

hoặc:

Sau khi bé chơi đồ chơi và bày hết ra nhà, hãy nói với bé: "Hey baby, you are done playing with these toys, right? Ok, can you help me put them in the basket? Here, you take this bear and put it in there. Very good. Can you put this book in the basket too?..."

Hãy vỗ tay cho trẻ thấy bạn hài lòng như thế nào. Các ông bố bà mẹ nào ở level cao hoàn tòan có thể có nhiều ý tưởng khác sáng tạo hơn mình nhé, mình chỉ muốn list cụ thể trong trường hợp bạn muốn tham khảo.



Bài đăng phổ biến