HOT NEWS

"Vậy làm sao để về sau con tôi hiểu ngữ pháp" và tip 9

Phương pháp dạy ngữ pháp trực tiếp với mục tiêu dạy trẻ giao tiếp được (hay cả người lớn nữa) có vẻ đã mất dần chỗ đứng tại không ít các cơ sở, trường học tại nước ngoài. Cách thức dạy tiếng của các bài giảng của giáo dục phổ cập Việt Nam phải nói là cách thức sơ khai, ngây ngô nhất của việc dạy tiếng - và kết quả như chúng ta đều biết: đi học 10 năm ra không nói nổi lấy một câu, thậm chí viết cũng chả xong, đến lớn lại đầu tư đi học lại từ đầu mà rồi cũng chẳng sửa nổi.

Được phép quan sát một vài lớp cho trẻ con ở những một số trung tâm (từ trẻ lớp 1 đến tiểu học, trung học), mình thấy các giáo viên bản ngữ đi dạy các trung tâm nhìn qua thì dễ đánh giá là không có phương pháp hay thiếu hiểu biết về ngôn ngữ học.  Những giáo viên này thường chỉ tạo ra các hoạt động, trò chơi trong lớp học để học viên có cơ hội nghe nói trên lớp càng nhiều càng tốt. Sự thật là họ không dành quá nhiều thời gian vào việc sửa hay bắt bẻ lỗi ngữ pháp, phát âm, hay giảng giải thời bị động là gì và được sử dụng ra sao. Quan trọng nhất đối với họ là tạo được sự hào hứng cho người đi học, và giúp những người này tập phản xạ tiếng Anh, thay vì bắt nói cho đúng, trong những trò chơi bắt buộc người học phải dùng ngôn ngữ như trong thực tế để trao đổi với nhau. Những phương pháp dạy được Cambridge công nhận thường khá cứng nhắc, và có những từng bước cụ thể trong một buổi học bắt buộc giáo viên phải thiết kế bài giảng dựa trên khung mẫu không thay đổi. Những người đã có bằng thạc sỹ, tiến sĩ lại càng dễ vênh váo nhìn những giáo viên như trên mà nói "làm gì được học hành, biết gì mà dạy, không có phương pháp, phải như tôi đây này". Nhưng chúng ta đừng vội nhìn vào bằng cấp mà đánh giá ai dạy được ai không, mà hãy nhìn vào kết quả thực tế đã cho thấy rằng học viên được tham gia các lớp trên sau một thời gian tiếng Anh cải thiện trông thấy.

Thực ra, trong các phương pháp dẫn đến thành công, có rất nhiều cách thức dạy, không thể nói là cách nào hiệu quả hơn cách nào, cho dù có những cách được các nhà ngôn ngữ học tán thành hơn. Một trong các phương pháp mới gần đây (được lên ý tưởng từ những năm 90) có tên gọi tắt là TPRS (Teaching proficiency through reading and storytelling) đang được một bộ phận các giáo viên nước ngoài áp dụng. Phương pháp này có ba bước chính: 1. giới thiệu từ vựng (1 từ) mới. 2. Kể chuyện: Sử dụng từ mới (và tất nhiên, cả những từ đã biết nữa) và một số các cấu trúc ngữ pháp để kể chuyện. Giáo viên sẽ khuyến khích các học viên cùng nhau kể 1 câu chuyện bằng cách đặt ra các câu hỏi, và tất cả học viên đều tham gia. Một, hai học viên trong lớp sẽ tự nguyện đóng vai nhân vật trong truyện. 3. Đọc: Học viên được đọc và trao đổi với nhau về bài đọc có sử dụng từ vựng mới học và các cấu trúc đã dùng ở bước 1,2. Phương pháp này rất ít đề cập đến ngữ pháp (có thì chỉ để giảng giải ngắn gọn) mà tập trung vào việc cho học viên trực tiếp sử dụng giao tiếp ngay, và tập trung vào input ở bước đọc.

Ngữ pháp và từ vựng cùng quan trọng khi nói. Nhưng liệu có cần phải bỏ quá nhiều thời gian vào ngữ pháp (trừ khi là bạn đi thi ở trường Việt Nam hay các kì thi kiểm tra trình độ tiếng Anh quốc tế)? Có ý kiến cho rằng từ vựng còn quan trọng hơn cả ngữ pháp. Hãy nghĩ xem, nếu sai ngữ pháp nhưng bạn có từ vựng, bạn vẫn có thể truyền đạt ý của mình, nhưng nếu ngược lại, liệu bạn có thể nói gì đây?

Đối với trẻ con, bạn đừng mất thời gian giải thích ngữ pháp, và cũng đừng nóng ruột nếu trẻ không nói đúng. Một là trẻ cũng chẳng có nổi khả năng tập trung, trí nhớ và tư duy trừu tượng để hiểu những gì được nghe, hai là trẻ cũng sẽ sớm chán và đứng lên chạy loanh quanh. Cũng giống như tiếng Việt, chẳng ai dạy trẻ con ngữ pháp lúc mới học, và rồi thì chúng cũng tự rút ra qui tắc sau một thời gian (với điều kiện là lượng input lớn). Hãy nói chuyện với trẻ nhiều và đều đặn! Theo mốc thời gian phát triển ngôn ngữ, đến 5, 6 tuổi trẻ con Tây mới có thể bắt đầu nói đúng ngữ pháp tiếng mẹ đẻ. 

Bư nhà mình mới chỉ học được từ vì 19 tháng còn quá bé, khả năng nói chỉ hạn chế ở 2 âm tiết một câu. Đến trung bình 2 tuổi, trẻ mới nói được nhiều câu 2 âm tiết, và đối với những câu nhiều âm tiết hơn phải chờ đến 3 tuổi. Nên lúc đó mình mới có thể tận mắt thấy được khả năng diễn đạt của bé đến đâu, và ngữ pháp ở mức nào, và sẽ cố gắng duy trì blog để viết đến tận lúc đó về quá trình học tiếng Anh của Bư cũng như các phát hiện mới.

Trong trường hợp bạn thấy bí (nhất là các ông bố, theo kinh nghiệm mình thấy là vậy), không hiểu làm sao mình có gì nhiều để nói với con thì chúng ta hãy cùng xem tip 9.

tip #9: Hãy nói với con về những hoạt động 2 mẹ con (hoặc bố con) cùng làm. 

Tip này sẽ đòi hỏi khả năng "ba hoa" của bạn một chút. Ví dụ như khi cho bé đi thay bỉm, bạn có thể nói: "Hey (name), come here. Can I check your diaper? please? Let me see if you peed a lot. Oh no, it's stinky, ewww. Say "ewww". You have a stinky bum. Let's go to the bathroom and change your diaper. Go, go! Now, let's take off your diaper, but we gotta take off your pants first. Lift your leg, and the other too. Good job!..."

Hoặc khi ăn sữa: "hey, it's milk time. Do you want to go to the kitchen with me to get some milk? Now, let's get your bottle, and let's put some water in there. Be careful, the water is hot. Okay, now let's add some cold water, and add 4 scoops of formula. Are you hungry?..."

Thực ra thì y tiếng mẹ đẻ. Chỉ có cảm giác hơi kì cục lúc ban đầu vì bạn chưa quen. Bạn nhớ hãy tập trung vào việc đang làm và hướng dẫn bé, giải thích đầy đủ cho bé xem bạn đang làm gì. Và tránh không nói đến những thứ không liên quan nhé. 

Các nguồn nước ngoài còn nhiều tip lắm. Mình sẽ tham khảo thêm và ghi nguồn cụ thể, trong trường hợp nếu có bạn nào muốn tự đọc thêm bằng tiếng Anh.

Bài đăng phổ biến