HOT NEWS

homeschool - dạy con ở nhà?

khi mình nói đến dạy con ở nhà, mình vừa có ý nói đến việc dạy con nói chung, và cả tự việc dạy học cho con ở nhà thay vì cho con đến trường. trong blog này, mình xin phép dùng luôn từ "homeschool" trong tiếng Anh để bàn về lựa chọn không gửi con đến trường.

hiểu nhầm 

homeschool có lẽ là một khái niệm vô cùng mới mẻ ở Việt Nam. khi mới thoạt nghe mà chưa tìm hiểu,   một số phản ứng thông thường, có lẽ không chỉ gặp ở người Việt mà có khi còn ngay ở người dân các nước phát triển nơi homeschool cũng không còn lạ lẫm, là: "thế thì trẻ con học được gì?", "suốt ngày ở nhà thế, giao tiếp với ai?,  "bố mẹ có biết gì đâu mà dạy?" hay "bố mẹ biết thì biết, nhưng lên lớp cao thì làm sao đủ trình độ?". khái niệm này cũng không phải là không mới với mình, vì thực sự mình chỉ mới tìm hiểu được chưa đến 1 năm kể từ khi gặp một chị bạn kể chuyện sẽ homeschool cho con bằng tuổi con mình.

mãi đến gần đây mình mới nhớ ra lần đầu tiên mình nghe chữ "homeschool" là qua một bộ phim Mỹ cho giới trẻ sản xuất từ đầu thập kỉ trước với hình ảnh nhân vật chính là một cô gái 15 tuổi lần đầu tiên được đến trường sau rất nhiều năm được bố mẹ homeschool. cô gái buổi đầu nhìn gì cũng sợ sệt và phải mất một thời gian thích nghi nhưng rồi thì hoàn toàn chứng tỏ rằng mình không những theo kịp về mọi mặt mà còn vượt trội chúng bạn khi so sánh thành tích học tập.

những hiểu nhầm phổ biến nhất về homeschool đã được nhắc đến ở trên, chủ yếu liên quan đến vấn đề kiến thức được dạy và kĩ năng giao tiếp. nhưng nếu homeschool chỉ có thể được hiểu mà .... không cần tìm hiểu, có lẽ chúng ta cũng nên băn khoăn tại sao con số các gia đình homeschool cho con ngày càng gia tăng ở các nước phát triển, trong đó tại Mỹ tỉ lệ học sinh được cha mẹ dạy tại nhà hiện xấp xỉ 3%.

mình không viết bài này để thuyết phục các ông bố bà mẹ hãy dạy con ở nhà như mình chọn lựa và khả năng rất cao sẽ thực hiện (con mình bây giờ mới 2 tuổi rưỡi), mà chủ yếu để giải thích thêm về homeschool cho những ai muốn tìm hiểu thêm và đầu óc đủ cởi mở để có thể xóa đi những hiểu lầm xoay quanh homeschool (tất nhiên là trong tầm hiểu biết có giới hạn của mình), và cũng là giới thiệu một góc nhìn, không nhất thiết cần sự đồng ý 100% của người đọc.

một số trong nhiều lý do để homeschool:


1) cha mẹ tự điều chỉnh thời gian cho phù hợp với con
dạy con 1-1, bạn có thể cùng bé lướt qua những gì bé đã hiểu, và bỏ thêm thời gian tập trung vào những khó khăn riêng của bé, trong khi trên lớp vì thời gian có hạn và khung chương trình cứng nhắc, bé sẽ không được học theo tốc độ riêng của bé. có lúc bé học nhanh, có lúc bé học chậm, có lúc bé mệt mỏi, v.v.... bạn có thể thoải mái mà linh hoạt trong thời gian.

không những các bé học với tốc độ khác nhau mà thậm chí còn phát triển ở tốc độ khác nhau. có những khái niệm một bé có thể hiểu lúc 4 tuổi trong khi bé khác 5 tuổi mới hiểu. nếu bé chưa sẵn sàng mà ép bé học, kết quả là con số không.

nếu chọn homeschool cho bé, thời gian dạy 1 bé thực ra không cần 8 tiếng một ngày như ở mẫu giáo hay 5-6 tiếng rồi lại đi học thêm cả ngày như lên tiểu học, trung học, vì đơn giản là dạy 1 bé nhanh hơn rất nhiều. thời gian còn lại bạn có thể để cho bé vui chơi chạy nhảy và đơn giản là làm một đứa trẻ theo đúng nghĩa.

2) cha mẹ tự lựa chọn nội dung học cho phù hợp
bạn có thể điều chỉnh nội dung học để tập trung khuyến khích bé phát triển sở thích, cũng như bỏ qua những gì bạn thấy không cần thiết. có những cha mẹ chọn homeschool bước đầu đã mua sách giáo khoa dạy con từng li chỉ để nhận ra rằng không cần thiết bắt bé phải vừa học mọi thứ vừa theo đúng thứ tự trong sách. bạn thậm chí có thể dạy thêm bé yoga nếu bạn muốn. hoặc dạy bé đi chợ, nấu ăn,... tại sao phải cứng nhắc như khuôn khổ trường học?

3) homeschoolers học tập tốt và có kĩ năng giao tiếp không hề kém bạn đồng lứa được đến trường, thậm chí tốt hơn
các nghiên cứu cho thấy homeschoolers không hề có vấn đề về giao tiếp cũng như trong học tập, thậm chí thành tích học tập và khả năng giao tiếp của họ có khi còn vượt trội. ở trường học, tưởng như các bé có cơ hội giao tiếp kết bạn nhiều, nhưng nếu phân tích kĩ, chúng ta sẽ thấy trẻ bị xếp theo lớp với số thành viên cố định, thậm chí còn bị thầy cô khiển trách khi đang mải ... rèn luyện kĩ năng giao tiếp bằng cách nói chuyện với nhau (hãy nhớ lại câu: "các anh chị đến đây để học, không nói chuyện". hoặc hãy nghĩ lại những ngày bạn còn đi học và bắt buộc phải làm bạn với đứa ngồi cạnh chỉ vì... nó ngồi cạnh mình.) Nếu homeschool, được bố mẹ giúp và tạo cơ hội, trẻ có thể gặp gỡ không nhất thiết chỉ bạn bằng tuổi mà còn bạn lớn tuổi cũng như bé tuổi hơn trong các tình huống đời thực và có thể học giao tiếp thoải mái mà không sợ bị ai mắng mỏ hay soi xét.

4) cha mẹ rèn cho con tự học
chẳng có ai là biết tuốt hết thảy mọi thứ. và đơn giản là kiến thức thậm chí luôn luôn thay đổi, luôn liên tục được cập nhật vì hàng ngày hàng giờ luôn có một ai đó đem lại một khám phá mới cho thế giới. cái quan trọng nhất dạy cho một đứa trẻ không phải là học vẹt hay ghi nhớ thông tin (muốn hay không thì đi học ở trường luôn có thể đối phó mà vẫn qua) mà là khả năng tự học, tự tìm hiểu và suy nghĩ trong suốt cuộc đời. nếu bạn không biết một vấn đề gì, sách vở và internet luôn sẵn sàng - còn lại chỉ là khả năng tự học cũng như lựa chọn thông tin của bạn.

5) homeschool phù hợp với cha mẹ không đi làm 9h sáng-5h chiều và muốn dành thời gian cho con
nếu bạn là một người cha hoặc mẹ không làm việc văn phòng cả ngày hoặc có thời gian biểu linh động và bạn muốn dành thời gian cho con, homeschool có thể là một lựa chọn tốt cho bạn. mình cũng thuộc vào dạng này, thêm tội sinh hoạt giống cú đêm nên giờ mình đã huấn luyện bé thành công thành một bé cú rồi... (có bạn không thích cú nên khuyên nhà mình nên đi ngủ sớm, nhưng nhà mình thì lại toàn cú và cũng không có vấn đề gì với lối sống của nhau).

6) cha mẹ mất dần niềm tin vào hệ thống giáo dục
mình đã mất hoàn toàn niềm tin vào trường học công tại VN (nếu bạn vẫn còn niềm tin thì chúc mừng bạn, tớ rất mừng cho bạn). còn các trường tư hoặc quốc tế thì khá đắt đỏ (trong khi chưa chắc nó đã đáng mức tiền), trong khi mình lại là người rất hào hứng làm bạn đồng hành của con. nếu bạn băn khoăn mình có hiểu biết gì mà đánh giá chất lượng các trường, xin thưa mình cũng không có hiểu biết gì nhiều ngoài 5 năm làm giáo viên dạy tiếng cho đủ các độ tuổi từ các bé lớp 1 đến người đi làm 50 tuổi (mở ngoặc thêm là mình cũng đã có kinh nghiệm đi học ở một trường quốc tế tại Hà Nội, và quen biết một số giáo viên Tây đủ để biết quá trình tuyển dụng và yêu cầu trình độ của Tây ở HN thường ra sao, cũng như các đặc quyền Tây có mà ta không có chỉ vì khác biệt màu da).

trước khi bạn ném đá mình, mình xin nói thêm mình không hề có ý nói tất cả các thầy cô và các trường học đều không ra gì hay chất lượng thấp hoặc chất lượng cao không đáng tiền, mà chỉ là một bộ phận, còn bộ phận đó lớn đến đâu thì mình không có thông tin.

homeschool có vài điểm bất lợi như mình hiện có thể hình dung như sau:

1) mức độ mong muốn giao tiếp của bé không được đáp ứng
tùy vào tính cách của bé, có bé thích gặp gỡ nhiều, có bé thì ít hơn. nếu bé muốn gặp gỡ mọi người nhiều mà bố mẹ không sắp xếp được, e là sẽ khó khăn.

2) bố mẹ có đủ quyết tâm để theo hàng ngày cũng như theo đến cùng hay không?
ở các nước phát triển, các bé có thể dễ dàng thay đổi giữa homeschool và các trường học, và cũng có kha khá các trường đại học chấp nhận các học sinh homeschool. tuy nhiên, ở VN, đây là lựa chọn một đi không trở lại (mình đoán vậy, nhưng dù sao mình cũng chưa nghe trường hợp nào đang được homeschool mà lại xin đi học lại để biết các trường sẽ xử lý ra sao), tức dành cho các gia đình xác định trước con sẽ hoàn toàn không theo học hệ thống trường VN từ lớp 1 đến đại học. đến khi bé lớn, có 2 con đường: không học đại học hoặc du học.

3) tính cách của bạn không phù hợp
tùy vào tính cách từng người, homeschool có khi sẽ không phù hợp với bạn, nhất là khi bạn muốn có nhiều thời gian cho bản thân, hoặc không kiên nhẫn với trẻ cho lắm, v.v...

4) bố/mẹ sẽ phải hi sinh công việc ở mức độ nhất định
ai sẽ homeschool cho bé? bạn hay vợ hoặc chồng của bạn hay cả hai thay phiên nhau? có khả năng cao 1 trong 2 người sẽ đi làm ít hơn và do đó sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến kinh tế gia đình. tuy nhiên, nếu nhìn ở khía cạnh khác, khi 2 vợ chồng đều đi làm và quyết định gửi con ở trường, đơn giản là bạn đang trả tiền cho người khác chăm lo giáo dục của con bạn, trong khi bạn có thể bớt làm đôi chút và tự chăm lo cho con lấy. trong trường hợp sau, nếu bạn biết đích xác mình đang làm gì thì giáo dục cho con có thể đạt kết quả cao mà lại không tốn kém.

5)khác. bạn tự list thêm tùy theo quan điểm của bạn :)


Lời kết

lý do lớn nhất của mình đơn giản chỉ là mình muốn làm bạn với con mình. từ khi có con, mình nhìn cuộc sống hoàn toàn khác và ngày ngày học thêm được điều mới từ con mắt của trẻ thơ.

mình cũng chẳng tự tin 100% nói rằng theo con đường homeschool do mình dạy dỗ thì con mình lớn lên sẽ trở nên thông minh, xuất chúng. điều quan trọng nhất là mình sẽ cố gắng cho con mình nhiều thời gian có một tuổi thơ không "xì trét" và tự tìm hiểu xem nó đam mê cái gì, có thiên hướng gì để nó có thể phát triển tài năng, sống đúng với con người nó.

dù sao thì bây giờ mình cũng đã bắt đầu quá trình homeschool rồi, vì bé hiện ở độ tuổi 2 tuổi rưỡi đã thuộc bảng chữ cái, nhận diện số từ 1-30, biết đếm chính xác trong khoảng 5-6, thuộc các màu sắc, hình cơ bản, sử dụng được tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày, và đang học xếp chữ (hiện đã xếp được các chữ đơn giản như tên bé, "bố", "mẹ", "ông", "bà", "egg", "mom", "dad", "cat", v.v...). trong trường hợp bạn băn khoăn .... mình có ép con học quá nhiều để mất tuổi thơ không thì câu trả lời là "không" vì bé luôn chơi là chính mà học là phụ. và mình hi vọng quá trình học về sau của bé mình sẽ tiếp tục được cách tiếp cận này.

cảm ơn bạn đã đọc đến dòng này. và nếu bạn có bất đồng gì về một trong số (hay tất cả) những điểm mình đã trình bày, mình cũng hoàn toàn hiểu. thế giới mà không đa dạng thì không còn là thế giới. nên ta cứ làm những gì chúng ta tin tưởng là đúng với ta mà thôi.

Bài đăng phổ biến