HOT NEWS

các nguyên tắc đọc sách cho trẻ và ví dụ của bạn Bư

đến nay, bạn Bư đã được gần 30 tháng và đã tiếp xúc với tiếng Anh hàng ngày được gần 16 tháng. 

mẹ con mình thường xuyên đọc sách nên bé rất thích đọc, và đã quen nên cứ trước khi đi ngủ là đòi mẹ đọc hết bằng được 4-5 quyển sách liền tù tì. tùy hôm, có những lúc việc đọc sách của 2 mẹ con có thể kéo dài cả một tiếng đồng hồ trước khi ngủ (nên nếu bạn áp dụng qui tắc 3 tiếng một ngày, vậy là đọc sách đã chiếm 1/3 thời gian rồi). nếu bạn đang băn khoăn đọc mà lắm thế, xin đọc tiếp ở phía sau.

xin tổng kết các nguyên tắc đọc sách cho trẻ  (theo ý kiến cá nhân của mình dựa trên kinh nghiệm và tham khảo  từ một số nguồn):


1. tạo thói quen hàng ngày. tốt nhất là đọc theo giờ cố định để trẻ có thể đoán trước được khi nào cha mẹ sẽ đọc sách cùng trẻ.

2. kiên nhẫn với trẻ. trẻ thích đọc các quyển quen thuộc, nên khi giới thiệu các quyển mới phải từ từ, có thể vài lần đầu trẻ sẽ không muốn đọc ngay hoặc chỉ xem lướt qua.

3. đọc nhiều lần. mỗi lần đọc sách, nếu bé THÍCH, có thể đọc 1 quyển trẻ đã quen vài ba lần (vì dù sao một quyển cho trẻ con bé đọc cũng rất nhanh vì nội dung ngắn).

4. tăng dần dần thời lượng.  nếu mới bắt đầu đọc sách, không nên kì vọng trẻ sẽ ngồi được lâu. muốn kéo dài đến một tiếng, phải bắt đầu với 5 phút, 10 phút rồi tăng dần. đối với các trẻ bé tầm 1 tuổi, việc ngồi im 1 chỗ tập trung là rất khó. bé nhà mình khi mới bắt đầu cũng chỉ theo dõi sách được vài phút. 

5. chọn lựa sách phải phù hợp với lứa tuổi trẻ.  trẻ khoảng gần 2 tuổi mới có thể hiểu được các câu chuyện có tình tiết. các trẻ bé hơn thường chỉ đọc các sách chủ yếu dạy từ với câu rất ngắn, câu chuyện chưa có gì mấy.

bé nhà mình lúc bắt đầu chỉ đọc các sách rất ngắn dạy từ khoảng 10-15 trang, mỗi trang chỉ có 1 câu. đến bây giờ, bé đã có thể hiểu được 1 câu chuyện có tình tiết dài 50 trang, các trang có số câu dao động từ 1 đến 3 hoặc 4.

6. tự rút gọn nội dung sách nếu cần thiết. nếu chẳng may mua phải sách phức tạp so với tuổi của bé, cha mẹ phải tự giản lược nội dung nếu muốn cho bé đọc. sách phức tạp hay không, tùy vào phản ứng của bé mà cha mẹ sẽ tự đoán ra được.

7.  sách phải có câu cú đầy đủ.  nhớ phải lựa chọn các sách có câu cú đầy đủ để từ vựng mới được giới thiệu trong văn cảnh cụ thể (ngữ pháp do đó sẽ được lồng theo). không có câu đầy đủ, bé chỉ học được từ và không thể hình dung ra được các từ được kết nối với nhau ra sao.

8. khi đọc, để hiệu quả được cao nhất, phải có sự tương tác giữa cha mẹ và bé. ví dụ: sau khi bé đã quen với nội dung sách vì cha mẹ đã đọc cho nhiều lần, cha mẹ đọc từng câu, để bé nói từ cuối cùng; cha mẹ có thể đặt ra các câu hỏi đơn giản như "where's the ....?" để bé chỉ vào vật được nêu tên; ở mức độ cao hơn khi bé đã nói được nhiều hơn, cha mẹ có thể hỏi bé xem các nhân vật trong truyện trong từng trang đang làm gì, đang cảm thấy ra sao, và tại sao lại như vậy; cha mẹ có thể yêu cầu bé đếm các vật trong tranh, hỏi về màu sắc, v.v...

 khi bé đã thuộc nội dung sách, cha mẹ có thể đọc sách theo kiểu tùy hứng, chỉ bám theo cốt chuyện mà hỏi bé, chứ không nhất thiết phải đọc từng chữ giống y chang trong sách.

nên tránh việc cha mẹ chỉ đọc không, bé ngồi nghe. 

áp dụng cách đọc như trên, cha mẹ có thể kiểm tra xem bé hiểu nội dung đến đâu. nếu bé chỉ ngồi nghe và học thuộc lòng các từ, chưa chắc bé đã hiểu nội dung.

đôi khi cha mẹ đang đọc, bé sẽ xen ngang và đặt ra câu hỏi. cha mẹ nên vui mừng trả lời vì trẻ tích cực tham gia vào quá trình đọc sách, chứ không nên khó chịu vì trẻ cắt ngang mình. 

9. đọc sách bằng tiếng Anh thì hãy giải thích bằng tiếng Anh cho con.  giống như khi nói chuyện với con bằng tiếng Anh, tuyệt đối không quay về sử dụng tiếng Việt khi thấy con tỏ ra bối rối, không hiểu nội dung truyện, kể cả khi bạn có cảm thấy vốn tiếng Anh của mình thật hạn chế. khi dùng tiếng Việt, chúng ta dễ cho rằng trẻ sẽ hiểu nhanh hơn - nhưng việc tưởng như hiểu nhanh hơn trước mắt có cái giá của nó và sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình học tiếng Anh về sau này. thói quen như vậy sẽ khiến trẻ dựa dẫm toàn bộ vào tiếng Việt khi học ngoại ngữ, khó có thể hình thành phản xạ tiếng Anh.

10. lắng nghe trẻ và đọc theo mong muốn của trẻ. nên để sách của trẻ nơi trẻ có thể thấy và lấy được. hãy cho trẻ chọn lựa sách mà trẻ muốn đọc. sẽ có lúc trẻ muốn đọc nhiều, hoặc có lúc muốn đọc ít - không nên cố định thời gian mà ép trẻ đọc lâu hơn mức trẻ muốn.

đôi khi trẻ cũng sẽ không quan tâm đến tất các các chi tiết trong sách, mà chỉ đặc biệt hứng thú với một số hình ảnh nhất định. cha mẹ nên để trẻ "dẫn dắt" mình trong khi quá trình đọc, không nên nổi cáu vì trẻ không chịu đọc toàn bộ một quyển sách.

11. muốn con thích đọc sách thì cha mẹ cũng phải làm mẫu. được thấy cha mẹ đọc sách hàng ngày, trẻ cũng sẽ có thái độ tích cực với sách và bắt chước làm theo. nếu bạn không quan tâm đến việc đọc sách, có lẽ bạn đã không đọc post này :)


xin phép nhắc lại điều mình đã nói trong một số post trước: mỗi trẻ có tính cách riêng và tốc độ học riêng, cha mẹ là người hiểu con nhất nên tùy trường hợp mà tự thích ứng. không nên so sánh với các trẻ khác hoặc kì vọng quá nhiều ở trẻ mà mất kiên nhẫn hoặc thậm chí nói với con "con chậm chạp thế, con kém thế, con nhìn bạn ABC kia kìa" (mỗi khi dẫn con đi ăn sáng hoặc khi gặp họ hàng mình đều gặp những kiểu bố mẹ như thế này). 

và cũng xin nhắc lại rằng mình không cho rằng con mình đặc biệt, tài giỏi khi đã sử dụng được tiếng Anh ở độ tuổi này. con có gene thông minh hay không, nếu không có cách tiếp cận phù hợp và có tương tác nhiều (và có ý nghĩa) với cha mẹ hoặc người trông trẻ, cánh cửa cho trí thông minh phát triển cũng khó mà mở ra. 

để trẻ phát triển được trí thông minh, chỉ có 2 nguyên tắc quan trọng nhất (bên cạnh dinh dưỡng đầy đủ):

1. trẻ cảm thấy an toàn và tin tưởng người trẻ đang tiếp cận với.
2. trẻ có các nguồn kích thích các giác quan (nhưng ở mức vừa đủ, không quá nhiều) và có nhiều tương tác có ý nghĩa với người trông trẻ. 

ví dụ về các tương tác sẽ có tác động tích cực tới sự phát triển của trẻ: nói chuyện với trẻ ở tốc độ và nội dung trẻ có thể hiểu được về các sự vật, sự việc đang xảy ra  trước mắt, tạo điều kiện cho cuộc hội thoại 2 chiều thay vì cha mẹ độc thoại, trẻ hiểu thì hiểu mà không hiểu thì thôi; khuyến khích trẻ nhắc lại các từ mới cũng như sử dụng các ngôn ngữ đã học vào các tình huống khác nhau; tận dụng các tình huống trong đời sống để nói chuyện với trẻ; cho con xem hoạt hình hoặc ca nhạc phù hợp lứa tuổi và vừa xem vừa nói chuyện với con về những gì đang diễn ra, v.v...

các tương tác không tích cực (tức không góp phần phát triển trí thông minh hoặc ít) bao gồm: quát mắng, dọa nạt; nói chuyện về các thứ ở đâu đâu, không liên quan gì nhiều đến nhau hoặc không xảy ra trực tiếp vào thời điểm nói; nói nội dung hoặc từ quá phức tạp với trẻ; mặc kệ cho trẻ chơi một mình, không nói chuyện trừ khi thấy trẻ sắp ngã hay sờ ổ điện; cho con ngồi xem TV cùng mình; khi trẻ đặt ra câu hỏi, thay vì trả lời trẻ thì lại mắng trẻ "nói gì mà lắm thế. mẹ đã trả lời rồi còn gì"  v.v...


ví dụ của bạn Bư tháng 29 - 30

con mình đến nay đã học được kha khá từ vựng và ngữ pháp từ sách. bạn Bư rất hay áp dụng các câu đã học với các em gấu bông, vừa nói chuyện với gấu bông vừa giả vờ làm gấu bông trả lời lại.

xin đưa một ví dụ nổi bật nhất:

bạn Bư mới được làm quen với câu chuyện về một bạn chim đi tìm mẹ. bạn chim gặp hết con chó, con bò, con gà, và đều hỏi: "are you my mother?". câu trả lời đều là: "how can I be your mother? I'm a cow/dog/hen."

vậy là khi đang chơi với con chó đồ chơi, bạn Bư cũng giả vờ cho chó đi tìm mẹ, và gặp các bạn hà mã/lợn/em bé,... Bư lặp lại y hệt các câu trên, chỉ thay từ: 

- are you my mother? (phần của chó nói)
- how can i be your mother? I'm a hippo/pig/baby - said the hippo/pig/baby. (phần của các con vật mà chó nói chuyện với)


và dòng kết cho blog là: nếu bạn thực sự yêu trẻ và quan tâm đến trẻ, không có gì là khó khăn cả :) điều quan trọng nhất không phải là trình độ của bạn mà là bạn yêu trẻ đến đâu. chúc bạn thành công.

Bài đăng phổ biến