HOT NEWS

Cách dạy trẻ 2 tuổi nghe lời và thông minh

Cách dạy trẻ 2 tuổi ngoan ngoãn và biết nghe lời. Phương pháp dạy trẻ 2 tuổi biết phân biệt đúng sai. Cách dạy bé 2 tuổi biết cách ứng xử nghe lời ông bà, bố mẹ. Mời bạn đón đọc cách dạy trẻ 2 tuổi.
Dạy trẻ 2 tuổi biết nghe lời:

Thật khó để bạn có thể “bắt” một đứa trẻ mới chập chững biết đi vâng lời bạn vì ở độ tuổi này, các bé chưa phân biệt được điều đúng sai, chưa thể hiểu rõ những cái được và không được. Nhưng các mẹ có biết rằng, chỉ bằng các biểu hiện thái độ, giọng nói, ánh mắt... mẹ hoàn toàn có thể truyền tải được thông điệp mình muốn nói và bé sẽ ngoan hơn mà mẹ không cần phải quát mắng.

1. Hãy nghiêm giọng thay vì la mắng

Tiến sĩ Martin J. Drell cho biết, khi bạn để cho con thấy mình giận dữ, tức là bạn đã thất bại. Vì khi bạn giận dữ, hoặc là trẻ sẽ thấy sợ, hoặc là sẽ trở nên bướng và lì hơn.

Thay vì giận dữ và la mắng, bạn hãy nghiêm giọng lại và nói với con về việc bé vừa làm là không tốt và đừng quên chỉ ra cho con những hậu quả mà bé đã gây ra.

"Tất nhiên là bé sẽ không hiểu được vấn đề như bố mẹ mong đợi, nhưng đừng vì thế mà không giải thích và nói chuyện với con về những việc bé vừa làm. Cách bạn nói, ngữ điệu, thái độ nghiêm nghị của bạn sẽ làm bé phần nào nhận ra vấn đề. Bé sẽ ít nhiều cảm thấy áy náy, hối lỗi", Martin J. Drell cho biết.

2. Sử dụng ánh mắt

Bạn đừng quên sử dụng "vũ khí" cực hiệu quả đó là ánh mắt nghiêm nghị. Khi nói với bé về những lỗi lầm mà trẻ vừa gây ra, hãy nhìn thẳng vào mắt con và bắt đầu câu chuyện. Ánh mắt của bạn sẽ giúp bé tập trung, thấy vấn đề là nghiêm trọng và cần phải lắng nghe.

Tuy nhiên, Martin J. Drell cũng dặn dò cha mẹ một điều, đó là "cũng như giọng điệu, bạn đừng nhìn bé với ánh mắt giận dữ mà hãy thể hiện sự nghiêm khắc đúng mực, vì bé đang “đọc” vấn đề từ ánh mắt của bạn".

3. Nói đi đôi với làm

Đôi khi bạn hãy truyền tải cho bé những thông điệp có "trọng lượng". Thông điệp này đòi hỏi sự mạnh mẽ trong lời nói, ngữ điệu và có hành động kèm theo. Ví dụ khi bạn nói: “Đã đến lúc đi ngủ rồi con yêu” thì hãy kèm theo hành động bế bé hoặc dắt bé đi vào phòng ngủ, đồng thời tắt đèn.

Bé sẽ hiểu rằng, đã đến giờ phải lên giường đi ngủ, không có gì có thể thay đổi được điều đó và sẽ làm theo ý của bạn.

4. Hãy hướng dẫn trẻ thật cụ thể

Khi bạn muốn bé thu dọn đồ chơi của mình sau khi chơi thì hãy hướng dẫn con thật cụ thể. Đừng bao giờ nói với trẻ dưới 2 tuổi một câu mơ hồ như: "Con hãy cất đồ chơi đi", mà phải nói: "Con hãy cất con ốc sên màu xanh vào hộp đi", và kèm theo đó là bạn làm cho bé thấy để ghi nhớ và tự làm lần sau.

"Bé sẽ chẳng hiểu cất cái gì và cất vào đâu vì như đã nói, ở lứa tuổi này ngôn ngữ của bé chưa hoàn chỉnh, bé đang học hỏi rất nhiều, kể cả lời nói. Vì vậy nếu muốn một đứa trẻ dưới 2 tuổi hiểu và biết nghe lời thì cha mẹ phải có hướng dẫn cụ thể", Tiến sĩ Martin J. Drell cho biết thêm.

5. Không yêu cầu quá nhiều

Nếu như bạn đã yêu cầu con làm việc gì đó, nhưng bé vẫn chưa thực hiện thì bạn chỉ nhắc nhở lại 1 lần. Nếu bạn nói đi nói lại, bé dễ lầm tưởng bạn đang cáu giận và sẽ có tâm lý tránh xa bạn đấy.

Và khi bạn càng nói, bé càng không nghe thì khả năng bạn sẽ tức giận là rất cao. Mà khi tức giận thì tức là bạn đã thất bại.

6. Đừng mềm lòng trước ánh mắt của bé
Nhìn vào đôi mắt ngân ngấn nước của con, nhiều bà mẹ đã không thể kiềm chế được lòng mình nên đã vội vã ôm con vào lòng khi vừa mắng bé xong. Hành động đó của bạn đã vô tình xóa bỏ hết “công cuộc” dạy dỗ vừa rồi.

Cách dạy trẻ 2 tuổi biết phân biệt đúng sai?
5 cách dưới đây sẽ giúp bố mẹ dạy các bé biết phân biệt tốt xấu, đúng sai để trở thành đứa trẻ ngoan ngay từ khi còn nhỏ.

1. Quan sát tranh ảnh

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại sách giúp nâng cao năng lực phân biệt hành vi dành cho trẻ con. Bố mẹ có thể mua sách này về và cùng đọc với bé. Nếu bé chưa biết đọc chữ, bạn hãy mở sách đặt trước mặt bé, vừa kể nội dung vừa chỉ vào hình vẽ trong sách. Việc đọc sách như vậy dần dần sẽ hình thành và bồi dưỡng năng lực quan sát, phân tích, nhận biết đúng sai của bé.

2. Tạo ra tình huống

Khi chơi đùa cùng bé, bố mẹ sẽ tùy theo từng tình huống cụ thể mà nói cho bé biết như thế nào là đúng, như thế nào là sai. Ví dụ khi chơi trò đi xe buýt, bố mẹ hãy giả vờ mình là cụ già, người ốm hoặc phụ nữ đang mang bầu… để trước hết xem bé phản ứng thế nào, có nhường ghế ngồi không, sau đó bạn sẽ nói cho bé biết đối với những người nào thì nên nhường ghế.

Khi dạy con cách làm theo điều đúng, ngoài việc dùng lời nói để phân tích thì quan trọng là trong việc làm hàng ngày, bố mẹ hãy là tấm gương tốt để bé học theo. Bởi trẻ con có tâm lý bắt chước những hành vi của những người thường xuyên tiếp xúc với bé.

3. Người lớn cần có thái độ rõ ràng
Tuy là trẻ con nhưng hàng ngày các bé phải “đối mặt” với rất nhiều tình huống cần phân biệt đúng sai không kém gì người lớn. Vì vậy bố mẹ nên chú ý quan sát, không nên xem nhẹ mỗi tình huống mà bé gặp để kịp thời giúp bé biết nhận biết đúng – sai, tốt – xấu. Ví dụ như khi xem phim cùng bé, gặp nhân vật có lời nói bậy, bố mẹ nên nói ngay với bé những lời nói như vậy là không hay, bé không được nói theo. Hay khi đi trên đường, nếu bé bóc kẹo ăn, hãy nhắc bé bỏ vỏ kẹo vào thùng rác.

Đối với bé 2 – 3 tuổi, khi bé làm việc không đúng với “tiêu chuẩn”, bố mẹ nên tỏ thái độ rõ ràng bằng cách lắc đầu. Ngược lại, nếu bé đưa ra ý kiến đúng đắn hoặc làm việc tốt, hãy gật đầu và mỉm cười khích lệ để khẳng định bé đang làm đúng.

4. Dạy bé dần dần, không nên đốt cháy giai đoạn

Năng lực phân biệt đúng – sai, tốt – xấu ở lứa tuổi nhi đồng được nâng cao dần theo thời gian. Khi bé 1 – 2 tuổi là giai đoạn bắt đầu hình thành các thói quen. Trong giai đoạn này, bé sẽ dần dần học cách biết được đâu là đúng, đâu là sai, việc gì nên làm, việc gì không nên làm từ thái độ đồng tình hay phản đối của người lớn trong nhà đối với mỗi hành động của bé. Ví dụ các bé thường khóc mè nheo để mọi người chiều theo ý muốn của mình, chỉ cần “lờ” bé đi hoặc dỗ cho bé nín mà không chiều theo bé. Sau vài lần như vậy, bé sẽ tự hiểu khóc mè nheo là không đúng và sẽ không làm vậy khi muốn đòi hỏi nữa.

Từ độ tuổi 3 – 4 trở về sau, bố mẹ không chỉ dùng hành động mà cần dùng lời nói để giảng giải về đúng – sai, tốt – xấu cho bé. Bố mẹ chọn thời điểm thích hợp để giải thích cho bé hiểu vì sao khạc nhổ bừa bãi là không tốt, vì sao đánh người là không nên…

5. Dạy bé tự mình so sánh

Đối với tâm lý trẻ con mà nói, sự dạy dỗ của người lớn chỉ là yếu tố bên ngoài, cần giáo dục thông qua sự tự nhận thức của bé mới thực sự có hiệu quả cao như mong muốn. Vì vậy, khi dạy bé phân biệt đúng sai, bố mẹ nên chú ý giúp bé học cách so sánh, đối chiếu bản thân mình với người khác để từ đó rút ra nhận thức của mình.

Dạy cho bé từ 2-5 tuổi cách ứng xử thông minh:

1. Giúp bé tự điều chỉnh cảm xúc

Trẻ con có những lúc tỏ ra vô cùng ngang bướng và sẵn sàng “nổi loạn” với nhiều biểu hiện khác nhau; và khi đó, các bậc phụ huynh thường có xu hướng chiều theo ý bé cho qua chuyện. Nhưng điều này là hoàn toàn không nên. Đặc biệt, các bé sẽ lợi dụng điểm yếu này của bố mẹ mà tha hồ “ăn vạ” ở nơi công cộng.
Trong những tình huống ấy, bạn nóng giận, xuống nước hay giả vờ không để ý đến đều không phải là cách xử lý thông minh. Thay vào đó, hãy giữ giọng điệu bình thản, từ tốn và tỏ cho bé thấy rằng bạn không hề bị ảnh hưởng tí nào từ việc “ăn vạ” ấy đâu. Có thể cách này không cho thấy hiệu quả ngay trong lần đầu tiên, nhưng bạn sẽ thấy bé không tái diễn cảnh "làm mình làm mẩy" kia đến lần thứ năm.
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên thoả hiệp một cách nghiêm túc với bé từ trước khi đưa bé ra ngoài để đề phòng “nổi loạn”.

2. Mở rộng vốn từ ngữ

Đây là độ tuổi trẻ em tiếp thu ngôn ngữ rất nhanh, thậm chí nhiều bé còn khiến bố mẹ ngạc nhiên về cách nói thông minh và mới lạ của mình. Vì vậy, các nhà nghiên cứu khuyên bạn không nên bó hẹp vốn từ ngữ khi nói chuyện với con. Thế không có nghĩa bạn sử dụng từ ngữ cao siêu với bé, nhưng đừng ngại dùng những từ mới – bé có thể hiểu được nhiều từ người lớn sử dụng hơn bạn nghĩ. Bên cạnh trò chuyện, bạn có thể cùng bé tham gia các trò chơi giúp phát triển khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách tốt nhất.
Kết quả của một nghiên cứu gần đây ở Mỹ có thể khiến bạn ngạc nhiên: những em bé từ 2 -3 tuổi lớn lên trong gia đình mà cả bố lẫn mẹ đều đi làm thì bố mới là người có ảnh hưởng lớn hơn đối với sự phát triển ngôn ngữ của bé. Còn chờ gì nữa, các bố hãy phát huy vai trò "người thầy đầu tiên’ cho con mình nhé!

3. Học cách giới thiệu bản thân

Các bé nên được học cách ứng xử, mà cụ thể là cách chào hỏi, xã giao theo đúng độ tuổi của mình để tránh rơi vào trạng thái thụ động hay lúng túng khi gặp người lạ; đây cũng là một trong những cách giúp xây dựng sự tự tin cho bé về sau. Hãy bắt đầu bằng cách giúp bé thấy muốn tự giới thiệu bản thân. Bằng cách nào? Bằng cách người lớn hãy tỏ ra nghiêm túc với bé.

Ngay từ bây giờ, bố mẹ có thể trang bị cho bé những kiến thức xã giao cơ bản nhất thông qua lời nói, cử chỉ, điệu bộ. Hãy dạy bé đứng thẳng người, mỉm cười và nói to, rõ ràng để người khác nghe được. Các bé ở độ tuổi này có thể học cách giới thiệu tên mình, nhớ tên người đối diện, cúi chào, đón nhận đồ vật bằng cả hai tay, biết nói cảm ơn, xin lỗi, tạm biệt và cả biết cách bắt tay lịch sự.

4. Biết xử trí khi bị lạc

Các bé ba tuổi phải biết được họ tên, tuổi của mình, tên bố mẹ, địa chỉ nhà. Ngoài ra, bạn cũng cần phải dạy cho bé cách ứng phó khi bị lạc, chẳng hạn như bé phải làm gì, phải tìm sự giúp đỡ từ những ai, phải cung cấp cho họ những thông tin gì…

Bạn có thể xem thêm bài tổng hợp: "Chăm sóc bé, giáo dục trẻ, sức khỏe gia đình, ..." để tìm hiểu nhiều hơn về các bài viết của  nhạc bà bầu bạn nhé!

Bạn có thể dặn bé trong những tình huống như thế hãy tìm đến chỗ chú công an, cô thu ngân (nếu bị lạc trong siêu thị) hay những bà mẹ có con nhỏ. Đừng chủ quan rằng bạn có thể luôn giữ chặt bé trong vòng tay mình, vì những tình huống không may có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trang bị cho con mình những kiến thức này không bao giờ là thừa cả.

Các bé ở tuổi này cũng rất hiếu động và ham tìm hiểu, do vậy, trước khi dắt bé đi đâu, đừng quên căn dặn và nhắc nhở bé chú ý kẻo bị lạc bố mẹ.

Bài đăng phổ biến