HOT NEWS

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi làm sao cho bé khỏe mạnh. Phương pháp chăm sóc và chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh cực kỳ quan trọng. Bài này sẽ hướng dẫn các mẹ cách chăm sóc bé mới sinh an toàn khỏe mạnh nhất.

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi cho các mẹ:

1. Chế độ dinh dưỡng cho bé

Trong giai đoạn này, mẹ hãy cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn theo nhu cầu của bé mà không cần bổ sung thêm thực phẩm nào khác kể cả nước trắng. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé vì trong sữa có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết: chất đạm, chất béo, chất đường, nước, sinh tố, khoáng chất… Mẹ nên có một chế độ ăn đầy đủ các dưỡng chất, uống nhiều nước và sữa, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý để có nhiều sữa cho bé bú.

Ngoài ra, khi nuôi con bằng sữa mẹ, bạn cần phải quan tâm đến hai loại vitamin D và K để bổ sung trong trường hợp bé thiếu. Nếu bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ thì việc bạn muốn xác định nhu cầu về lượng sữa của em bé không hề dễ dàng. Bạn có thể yên tâm vì em bé của bạn sẽ làm việc đó. Trẻ sẽ tự mình thiết lập số lượng, tốc độ sữa và thời gian ăn. Lúc đầu, trẻ có thể ăn sau 2 -3 giờ hoặc 8 – 12 lần mỗi ngày, tuỳ thuộc vào việc bé có dấu hiệu quyết định đòi ăn. Bạn luôn lo lắng và có suy nghĩ rằng con bạn ăn nhiều lên thì lượng sữa của bạn có thể bị suy giảm. Điều này hoàn toàn không có căn cứ. Bạn nên cho con dùng sữa mẹ liên tục để đảm bảo sự phát triển của trẻ. Nên nhớ rằng, lượng sữa của bạn hoàn toàn đủ cho nhu cầu của bé cho đến tháng thứ 6. Đối với vitamin K và D thì cần sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa nhi để quyết định xem con bạn có cần bổ sung hay không.

Nếu bạn cho con dùng sữa ngoài thì số lượng được thiết lập theo trọng lượng và tuổi của đứa trẻ. Theo lời khuyên của các bác sỹ, tháng đầu tiên, mẹ nên cho con ăn 30ml/bữa rồi từ từ tăng dần lên. Trong tháng đầu tiên, trẻ thường uống trung bình khoảng 600 ml hoặc 650 ml mỗi ngày. Trong trường hợp thấy trẻ vẫn có dấu hiệu đói thì các bà mẹ có thể tăng lượng sữa lên một chút so với mức bình thường.

    Hãy cho bé bú ngay sau khi sinh 30 phút để sớm có sữa non.
    Bé cần khoảng 150ml sữa/kg mỗi ngày.
    Hãy làm cho bé dễ chịu trước khi bú bằng cách thay tã, vệ sinh sạch sẽ.
    Vỗ lưng cho bé ít nhất 1 lần khi cho bú, sau khi bú xong giữ bé trên vai và vuốt lưng cho bé.
    Bé không cần bổ sung gì ngoài sữa mẹ, vì vậy mẹ vẫn cần bổ sung vitamin và khoáng chất để chất lượng sữa tốt hơn.

2. Lưu ý khi cho bé bú sữa

    Không ép bé bú quá nhiều
    Nếu bé bú bình thì không nên dốc ngược bình hay lắc để làm sữa chảy nhanh
    Không cho bé ăn mật ong hay cháo pha đường, có thể gây ngộ độc hay sặc
    Khi cho bé nằm cạnh bú, mẹ cần phải tỉnh táo hoặc có người trông nom, tránh trường hợp mẹ đè lên con mà không biết

3. Giữ vệ sinh cho bé

    Thay tã và vệ sinh sạch sẽ cho bé thường xuyên. Cần xem xét phân của bé xem có tốt không
    Nên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sạch sẽ trước khi đụng chạm tới bé
    Cắt móng tay cho bé
    Chăm sóc rốn cho bé đúng cách
    Bạn có thể tắm cho bé hàng ngày, phải giữ nước ấm đúng nhiệt độ khoảng 37-40oC, tắm nhanh và lau khô cho bé kịp thời. Trong khi tắm cần tránh gió lùa.
    Tránh cho bé tiếp xúc với các nguồn ô nhiễm: khói thuốc, bụi, sơn, mùi thức ăn…

4. Giữ an toàn cho bé

    Đặt bé ngủ tại vị trí cố định và không nên thay đổi hoặc đặt bé ngủ ở nhiều nơi. Vị trí ngủ có thể là cũi, giường, nhưng phải kê lót xung quanh cẩn thận. Không để bé ngủ một mình, cần có người theo dõi.
    Không cho bé đi xa hoặc di chuyển quá nhiều.
    Không sử dụng thức ăn hay đồ uống nóng khi bế bé vì có thể rơi vào người bé.
    Nên tắm nắng thường xuyên trong vòng 15-30 phút nhưng là nắng sớm (trước 8h) tránh nắng gắt chiếu vào bé.
    Giữ nhiệt độ phòng hợp lý, tránh nắng chiếu, gió lùa.
    Luôn có số điện thoại khẩn cấp để liên lạc với người nhà, bác sĩ khi cần

5. Chơi cùng bé

    Hãy tạo nhiều bộ mặt khi gần bé. Cố làm theo những tiếng động và bộ mặt bé làm.
    Hãy nói chuyện nhẹ nhành vào tai bé. Cho bé nghe nhạc
    Nâng bé lên vai bạn để bé có thể thấy xung quanh. Đỡ đầu khi ẵm bé.
    Cho bé thấy những bức tranh và những mẫu hình đơn giản có màu sáng và có trang trí, cách mặt bé khoảng 20-30 cm.
    Treo những vật quay nho nhỏ hay đồ chơi màu sáng ở nôi bé.
    Ẵm bé lên, chăm sóc, hôn và vuốt ve bé. Nói chuyện với bé, gọi tên bé.

Kiến thức về sốt ở trẻ sơ sinh

Tâm lý chung của những người làm cha mẹ là thấy con sốt thì lo âu cuống quýt, nhất là những người lần đầu làm cha mẹ, kinh nghiệm chưa có nhiều. Thật ra, có những nguyên nhân sốt ở trẻ được cho là bình thường bên cạnh những nguyên nhân gây sốt nguy hiểm.

Sốt là một cách phản ứng của cơ thể trẻ đối với các bệnh nhiễm khuẩn, cơ thể có những biến đổi về chuyển hóa hoặc nóng lạnh đột ngột… Khi bị sốt, bé có những dấu hiệu như: thân nhiệt trở nên nóng hơn rất nhiều.
Áp má mẹ vào bé có thể cảm nhận được bé nóng. Ngoài ra, bé còn hay quấy khóc, bứt rứt, dễ nổi cáu, mệt mỏi, ngủ lơ mơ… Khi bé có những biểu hiện như trên, các bậc cha mẹ cần nhanh chóng đo nhiệt cho trẻ.

Nếu thấy bé sốt ở nhiệt độ không quá 38,5 độ C được xem là sốt nhẹ, các bà mẹ đừng quá lo lắng bởi sốt này có thể tạo điều kiện cho trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Vượt qua nhiệt độ này, trẻ sốt cao và các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý tìm nguyên nhân gây sốt ở trẻ để có cách điều trị kịp thời.

Nguyên nhân trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi bị sốt

Thường trẻ sốt xuất phát từ các nguyên nhân sau:

- Trẻ mắc những bệnh thông thường: viêm mũi họng, sốt do cảm cúm, virus… trẻ có những dấu hiệu như: ho, sổ mũi, hắt hơi, phát ban… Với những bệnh thông thường này, trẻ sốt từ 3 – 4 ngày và dù sốt, nhưng vẫn tỉnh táo, ăn uống được.

Nhiều trẻ dưới một tuổi cũng hay sốt do mọc răng. Đây là những nguyên nhân gây sốt không đáng lo ngại, cha mẹ theo dõi nhiệt độ và các dấu hiệu của trẻ. Nếu trẻ sốt nhẹ (dưới 38,5 độ), hãy làm mát cho trẻ, trẻ sẽ sớm dịu sốt.

- Với những trẻ sốt cao (trên 38,5 độ C), trẻ có thể mắc những bệnh nguy hiểm như: viêm phổi, sốt rét, sốt xuất huyết, viêm màng mão, viêm não nhiễm khuẩn huyết,… tuyệt đối không được xem thường.

Hãy quan sát các triệu chứng ở trẻ, nếu thấy trẻ rét run, xuất huyết, co giật, nôn, khó thở, tím tái, li bì, vật vã hay hôn mê… cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám bởi các triệu chứng trên rất nguy hiểm, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của trẻ nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Chăm sóc khi trẻ sơ sinh bị sốt

Khi trẻ sốt nhiệt độ từ 37,5 – 38,5 độ C, tức sốt nhẹ, cha mẹ chưa cần dùng thuốc hạ sốt cho trẻ mà nên dùng một số biện pháp can thiệp giúp bé giảm sốt như sau:

- Giúp bé thoáng mát: mặc cho bé những quần áo có chất liệu nhẹ và thấm hút mồ hôi tốt, để bé nằm trong phòng thông thoáng, nhiệt độ không quá cao. Nhiệt độ được khuyên cho bé là 21 – 23 độ C.

- Dùng khăn vải thấm nước vắt khô đắp lên trán, cổ và tay trẻ.

- Xen kẽ với việc đắp khăn, cha mẹ cũng có thể dùng khăn lau khắp người cho bé để nhiệt độ cơ thể mát hơn. Những vùng như nách, bẹn, cổ… khi được làm mát sẽ giúp cơ thể hạ sốt.

- Bổ sung nước cho trẻ. Bạn nên biết rằng khi cơ thể nóng, ho… trẻ sẽ bị mất nước. Vì vậy hãy bổ sung nước cho trẻ, để trẻ uống nhiều nước lọc, sữa hoặc nước trái cây. Với trẻ còn bú mẹ, cần cho bú nhiều lần hơn và thời gian mỗi lần bú lâu hơn bình thường. Nếu trẻ không tự bú được, người mẹ cần vắt sữa vào cốc rồi dùng thìa cho trẻ uống.
- Đừng quên cặp nhiệt độ sau 4 – 5 tiếng để theo dõi xem trẻ có hạ sốt không.

Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài, không có dấu hiệu bớt nóng sau những biện pháp trên, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện với những bé sốt đi kèm co giật, cha mẹ cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế để bác sĩ theo dõi.

Bài đăng phổ biến