HOT NEWS

Cần sử dụng kẽm trong điều trị trẻ bị tiêu chảy


Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo nên sử dụng kẽm và oresol độ thẩm thấu thấp trong điều trị tiêu chảy cho trẻ em từ năm 2001. Ngày 28/10 vừa qua, Bộ Y tế mới chính thức quyết định đưa những tiêu chí này vào hướng dẫn về xử trí tiêu chảy ở trẻ em.

Vậy tại sao cần sử dụng kẽm và oresol độ thẩm thấu thấp? Các bà mẹ có thể tự điều trị tiêu chảy cho con theo phác đồ mới không? giáo sư, tiến sĩ Trần Quỵ, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, Bộ Y tế, đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.

Việc bổ sung kẽm và sử dụng oresol độ thẩm thấu thấp sẽ mang lại hiệu quả gì trong điều trị tiêu chảy cho trẻ, thưa giáo sư?

Giáo sư, tiến sĩ Trần Quỵ, trên thế giới, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị tử vong do tiêu chảy, trong đó 80% là trẻ từ 0 đến 2 tuổi tại các nước đang phát triển. Đó là do điều kiện vệ sinh môi trường tại các nước phát triển không đảm bảo, chế độ dinh dưỡng thấp, dân trí thấp, kiến thức phòng và chữa bệnh của nhân viên y tế cũng thấp.

Nguyên nhân chính gây tử vong khi trẻ bị tiêu chảy là mất nước, điện giải, và suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng và tiêu chảy tạo thành một vòng xoắn bệnh lý: tiêu chảy dẫn đến suy dinh dưỡng và khi trẻ bị suy dinh dưỡng lại có nguy cơ bị tiêu chảy cao, gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ.

Vì vậy, trong công tác điều trị tiêu chảy, quan trọng nhất là xử trí mất nước, sử dụng dung dịch bù nước điện giải bằng đường uống. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy hiệu quả điều trị tiêu chảy đối với trẻ em sẽ tốt hơn nếu giảm nồng độ của Na, glucose và độ thẩm thấu toàn phần xuống thấp hơn so với Oresol (ORS) chuẩn trước đây.

ORS trước đây có độ thẩm thấu cao so với huyết tương nên có thể gây tăng Na máu, đồng thời gia tăng khối lượng phân thải ra, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc sử dụng oresol độ thẩm thấu thấp sẽ hạn chế được 20% lượng phân, 30% tình trạng nôn và 33% nhu cầu truyền dịch theo đường tĩnh mạch.

Bên cạnh đó, kẽm là một vi chất quan trọng cho sức khỏe, sự phát triển và hệ thống miễn dịch của trẻ em. Trẻ tiêu chảy thường bị mất một lượng lớn kẽm. Do đó việc bổ sung kẽm trong quá trình điều trị tiêu chảy cho trẻ, sẽ giúp trẻ sớm phục hồi bệnh (giảm thời gian, mức độ nặng của tiêu chảy, đồng thời giúp trẻ tăng cường sức khỏe và giảm nguy cơ mắc đợt tiêu chảy mới trong những tháng tiếp theo sau tiêu chảy).

Nhiều bà mẹ, thậm chí cả nhân viên y tế vẫn giữ thói quen dùng Smecta và Antibio để điều trị tiêu chảy cho trẻ. Điều này có nên không, thưa giáo sư?

Giáo sư, tiến sĩ Trần Quỵ: Thuốc cầm tiêu (Smecta) thì không nên lạm dụng. Antibio cũng vậy, đây là thuốc chỉ nên sử dụng khi biết chắc chắn trẻ bị loạn khuẩn, chứ tiêu chảy đơn thuần thì không nên dùng. Có thể hiểu đơn giản, tiêu chảy là một hiện tượng xảy ra khi một thùng nước lâu ngày bẩn. Khi đó cần vặn vòi thùng nước đó ra và cho nước mới vào để thau rửa (bù ORS bằng đường uống hoặc truyền dịch) nhằm tránh mất nước và điện giải.

Việc sử dụng những loại thuốc cầm tiêu sẽ tương tự như động tác lại vặn vòi thùng nước bẩn lại, hạn chế sự thau rửa cần thiết. Ngoài ra, cũng không nên lạm dụng sử dụng kháng sinh, tránh tình trạng không những diệt vi khuẩn có hại, mà còn diệt cả những vi khuẩn có lợi cho cơ thể, gây nên tình trạng loạn khuẩn và gây tiêu chảy kéo dài.

Vậy các bà mẹ có thể tự điều trị tiêu chảy cho con trẻ theo phác đồ điều trị mới không?

Giáo sư, tiến sĩ Trần Quỵ: Tất nhiên là có. Tuy nhiên các bà mẹ cần tuân thủ theo đúng phác đồ mà Bộ Y tế đã ban hành. Có 4 nguyên tắc cần lưu ý đó là cho trẻ uống nhiều dịch hơn bình thường để phòng mất nước; bổ sung thêm kẽm; tiếp tục cho ăn; khi nào đưa trẻ đến khám lại ngay.

Đối với việc bù dịch, có thể cho trẻ uống ORS độ thẩm thấu thấp, dung dịch có vị mặn (nước cháo muối, nước cơm có muối, nước dừa)... Lưu ý nên tránh những loại nước ngọt có đường vì có thể gây tiêu chảy thẩm thấu và tăng Na trong máu như nước uống công nghiệp chứa CO2, nước trà đường, nước trái cây công nghiệp.

Đối với trẻ dưới 2 tuổi, lượng dịch cần uống khoảng 50 - 100ml sau mỗi lần đi ngoài; trẻ 2 - 10 tuổi là 100 - 200ml.

Đối với việc bổ sung kẽm, cho trẻ uống lúc đói, ngay khi tiêu chảy bắt đầu và liên tục trong 14 ngày. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cho uống 10 mg/ngày, trẻ trên 6 tháng tuổi là 20 mg/ngày. Các bà mẹ cần đặc biệt lưu ý là không được hạn chế trẻ ăn và không nên pha loãng thức ăn.

Khẩu phần ăn hàng ngày nên được tiếp tục và tăng dần. Cho trẻ em đủ chất dinh dưỡng giúp cơ thể tiếp tục tăng trưởng, phục hồi nhanh cân nặng và chức năng đường ruột, gồm khả năng tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng. Nên cho trẻ đi khám ngay khi đi ngoài rất nhiều lần phân lỏng, nôn tái diễn, trở nên khát, ăn uống kém hoặc bỏ bú, tình trạng của trẻ không tốt lên sau 2 ngày điều trị, sốt cao hơn, có máu trong phân./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)


Bài đăng phổ biến